Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024
Search

Tin Thể thao trong nước

Tin tức thể thao quốc tế

Con số và sự kiện

Sea Games

Thông báo


Thể thao quốc tế
Thể thao Việt Nam
Các vận động viên đóng vai trò chủ chốt trong phong trào Olympic
Các vận động viên đóng vai trò chủ chốt trong phong trào Olympic
20/07/2017 13:32

Các vận động viên đóng vai trò chủ chốt trong phong trào Olympic, và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) mong muốn giữ họ làm trọng tâm của các hoạt động của mình. Thông qua hàng loạt chương trình và nguồn lực, IOC hỗ trợ và bảo vệ các vận động viên không chỉ ở Thế vận hội Olympic mà còn cả trong sự nghiệp thể thao của mình.

Chương trình của IOC về định hướng nghề nghiệp cho các vận động viên

Đối với nhiều vận động viên, khi họ gần kết thúc sự nghiệp thể thao của mình, có một câu hỏi lớn được đặt ra cho họ: Tiếp theo là gì? Thông qua Chương trình định hướng nghề nghiệp cho các vận động viên (ACP), IOC giúp họ trả lời câu hỏi đó – không chỉ khi nào họ sẽ giải nghệ mà còn trong suốt sự nghiệp thể thao của mình.

Được triển khai vào năm 2005, chương trình hỗ trợ các vận động viên trong việc quản lý giai đoạn chuyển đổi nghề nghiệp (từ sự nghiệp thi đấu thể thao sang một sự nghiệp mới). Với sự hợp tác của Tập đoàn Adecco, tổ chức tuyển dụng hàng đầu thế giới, ACP cung cấp những nguồn lực tập trung vào ba lĩnh vực: Giáo dục, kỹ năng sống và nghề nghiệp – và đồng thời phát triển sự nghiệp, huấn luyện, hỗ trợ trong việc tìm kiếm công ăn việc làm và các cơ hội thực tập.

ACP nhằm vào các vận động viên trên toàn thế giới thuộc mọi lứa tuổi. Hơn 30.000 vận động viên đến từ 185 quốc gia tham gia chương trình. Với sự hợp tác của các Ủy ban Olympic quốc gia (NOCs), các chương trình địa phương được thực hiện ở hơn 30 nước trong khi đó ACP cũng được tổ chức ở những khu vực không có chương trình định hướng nghề nghiệp của các NOCs.

Cách thức hiệu quả nhất để truyền đạt thông điệp về ACP là thông qua các hội thảo được thực hiện bởi các vận động viên Olympic, các Ủy viên Ban Vận động viên của các Liên đoàn thể thao thế giới (IFs), các NOCs và các Hiệp hội thể thao Châu lục. Các hội thảo đó nêu ra những khuyến cáo thực tiễn về cuộc sống trong lúc và sau giai đoạn thi đấu thông qua những màn thuyết trình tương tác. Chúng được coi hữu ích đối với các vận động viên trong giai đoạn cân bằng việc tập luyện và thi đấu. Vào năm 2016, 47 cuộc hội thảo được tổ chức cho 1.800 người tham gia ở 33 quốc gia trên năm châu lục.

Nền tảng học trực tuyến dành cho vận động viên

Các vận động viên phải đối mặt với áp lực trong lúc thi đấu như thế nào? Cách nào được sử dụng để tránh bị chấn thương? Các vận động viên nên và không nên ăn những thực phẩm gì? Đó là những câu hỏi mà các vận động viên thành tích cao phải đối mặt hàng ngày và chúng được trả lời trên nền tảng học trực tuyến dành cho các vận động viên (Athlete Learning Gateway).

Được IOC triển khai vào năm 2015 và được các vận động viên sử dụng ở 200 NOCs, nền tảng trực tuyến này cung cấp cho các vận động viên và đoàn tùy tùng những tài liệu giáo dục và những khóa học miễn phí, với mục đích cải thiện thành tích thi đấu và xây dựng tương lai của họ. Các chuyên gia và học giả hàng đầu trong ngành thể thao giảng dậy những khóa ngắn (60 phút). Tài liệu giáo dục tập trung vào những lĩnh vực chính sau: thể thao trong xã hội, khoa học thể thao, huấn luyện thể thao và kinh doanh trong thể thao.

Tổng cộng có 15.000 người dùng nền tảng học trực tuyến dành cho các vận động viên.

Ngoài những khóa học này ra, Nền tảng này còn tổ chức một khu vực cộng đồng để cho những người dùng tương tác với các vận động viên, đặt những câu hỏi và học thêm từ những tài liệu bổ sung. Theo vận động viên điền kinh chạy 400m người Úc Monica Brennan, Nền tảng này là một phương thức học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm tuyệt vời.

Quỹ đoàn kết Olympic

Cách đây nửa thế kỷ, IOC bắt đầu hỗ trợ các vận động viên để khuyến khích họ tham gia các môn thể thao thành tích cao. Vào năm 1962, Ủy ban Hỗ trợ Olympic quốc tế được thành lập, sau này chuyển đổi thành Ủy ban IOC, và dẫn đến việc thành lập Ủy ban Quỹ đoàn kết Olympic vào năm 1981.

Hôm nay, Quỹ đoàn kết Olympic hỗ trợ các vận động viên, đặc biệt những ai cần đến họ nhất. Vào tháng 11 năm 2016, Ủy ban Quỹ đoàn kết Olympic chấp thuận tăng nguồn tài trợ lên 16% cho Kế hoạch Quỹ đoàn kết Olympic cho kỳ Olympiad XXXII (2017-2020) với tổng ngân sách hỗ trợ và phát triển là 509.285.000 đô-la Mỹ.

“Sự gia tăng, được thể hiện trong các chương trình dành cho các vận động viên, cho thấy rằng họ là trọng tâm của các hoạt động của chúng tôi,” Giám đốc Quỹ đoàn kết Olympic Pere Miró giải thích.

Có bảy chương trình cho các vận động viên, hỗ trợ chuyên môn và tài chính cho những ai chuẩn bị thi đấu quốc tế, đặc biệt là Thế vận hội Olympic. Những chương trình này bao gồm Học bổng Olympic dành cho các vận động viên tại Thế vận hội Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 và Thế vận hội Olympic Tokyo 2020; các khoản hỗ trợ đội tuyển; các khoản hỗ trợ vận động viên châu lục; và Đại hội Thể thao Olympic trẻ - Hỗ trợ vận động viên.

Trong giai đoạn 2017-2020, có hai chương trình dành cho vận động viên mới. Sau sự hỗ trợ của Quỹ đoàn kết Olympic cho Đội tuyển Olympic Người tị nạn tại Thế vận hội Olympic Rio 2016, Hỗ trợ Vận động viên người tị nạn là một chương trình dành riêng cho việc giúp các NOCs xác định và hỗ trợ các vận động viên người tị nạn trong công tác chuẩn bị và tham dự các giải đấu quốc tế.

Việc tài trợ học bổng cho các vận động viên bao quát nhiều lĩnh vực, từ việc sử dụng các cơ sở tập huấn và quá trình tập huấn đặc biệt, cho đến hỗ trợ y tế, khoa học và đi thi đấu tại các giải đấu vòng loại Olympic.

Những người nhận được học bổng đạt được những kết quả ấn tượng tại các Đại hội. Có đến 815 người nhận học bổng Olympic tại Rio 2016, đại diện cho 171 NOCs và thi đấu ở 22 môn thể thao. Họ thi đấu để giành 101 huy chương, trong đó gồm 33 HCV, và 163 giấy chứng nhận khóa học Olympic.

 

Bảo vệ vận động viên: Phòng chống quấy rối và lạm dụng trong thể thao

Từ những thành tích kỷ lục của kình ngư người Mỹ Michael Phelps và vận động viên chạy nước rút người Jamaica Usain Bolt cho đến sự tham gia thi đấu của Đội tuyển Olympic Người tị nạn, Thế vận hội Olympic Rio 2016 có nhiều dấu ấn mang tính lịch sử.

IOC cũng thông báo một sự phát triển trước thềm Thế vận hội: Rio 2016 sẽ là Thế vận hội đầu tiên đưa ra một khuôn khổ để bảo vệ các vận động viên khỏi sự quấy rối và lạm dụng trong thể thao.

IOC triển khai những biện pháp mới này theo khuyến nghị thứ 18 của Chương trình Nghị sự Olympic 2020 để “Tăng cường hỗ trợ các vận động viên”, và cũng dựa trên những ý kiến đóng góp của Ban Vận động viên IOC, Ban Y tế và Khoa học, Ban Phụ nữ trong thể thaovà Diễn đàn Vận động viên quốc tế 2015.

Những biện pháp, được áp dụng tại Thế vận hội Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 và các Thế vận hội tiếp theo, là thành phần nằm trong cam kết của IOC để bảo vệ các vận động viên khỏi sự quấy rối và lạm dụng trong thể thao. Kể từ năm 2004, IOC đã đưa ra nhiều sáng kiến được chia thành ba lĩnh vực chủ chốt: Nâng cao nhận thức của các vận động viên; xây dựng các chính sách, thủ tục và vị trí nội bộ; và hướng dẫn các NOCs và IFs.

Các vận động viên nữ

Bảo vệ sức khỏe của các vận động viên nữ là ưu tiên của Ban Y tế và Khoa học IOC. Để nâng cao nhận thức và giáo dục các vận động viên, IOC đã phát triển nhiều công cụ đào tạo trực tuyến, bao gồm khóa học gần đây nhất “Sức khỏe của các vận động viên nữ” vào năm 2016.

Mục đích chính của những khóa đào tạo này là nâng cao kiến thức về việc thi đấu một cách an toàn (giữ gìn sức khỏe) cho các vận động viên nữ bằng việc nâng cao nhận thức về các vấn đề sức khỏe của họ và khuyến khích các NOCs và IFs thông qua các chương trình và quy định về chăm sóc sức khỏe cho các vận động viên nữ. Ngoài ra, IOC cũng tạo ra một công cụ giáo dục trực tuyến và hàng loạt các đoạn video hướng dẫn các vận động viên về tầm quan trọng của việc cân bằng sức khỏe và yêu cầu của từng môn thể thao.

Phòng ngừa chấn thương

Vào tháng 3 năm 2017, IOC tổ chức Hội nghị thế giới lần thứ năm về Phòng ngừa Chấn thương và Bệnh tật trong thể thao tại thành phố Monaco. Với sự góp mặt của các bác sỹ, chuyên gia về vật lý trị liệu, khoa học y tế và thể thao, hội nghị cung cấp thông tin cập nhật và thảo luận những nghiên cứu về cách đảm bảo cho các vận động viên có một chế độ tập luyện cân bằng.

IOC cũng hợp tác với 10 trung tâm nghiên cứu quốc tế nhằm theo dõi sức khỏe của các vận động viên trong lâu dài. Ở mỗi kỳ Thế vận hội Olympic, một nghiên cứu khảo sát được thực hiện ở tất cả các môn thi đấu (và dựa trên thông tin của các vận động viên) để cung cấp bằng chứng có giá trị nhằm bảo vệ sức khỏe trong thể thao và các chương trình phòng ngừa chấn thương.

Tại Thế vận hội Olympic Rio 2016, một hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử được triển khai lần đầu tiên nhằm nâng cao chuẩn mực hành nghề y khoa.

Các dự án khác bao gồm Chương trình đào tạo của IOC tập trung về y học thể thao, vật lý trị liệu trong thể thao và dinh dưỡng thể thao; quan hệ hợp tác giữa Ban Y tế và khoa học của IOC và các Liên đoàn Thể thao thế giới nhằm giải quyết thách thức cụ thể trong môn thể thao đó; và các khóa học Bác sĩ nhóm nâng cao.

Bảo vệ sự trong sạch của vận động viên

Sự thao túng thi đấu thể thao ngày trở thành mối lo ngại trong những năm gần đây, IOC đã tiến hành một số dự án để tăng cường hỗ trợ của họcho những vận động viên trong sạch. Thông qua Hệ thống Thông báo Cá cược của IOC, gồm sự hợp tác chặt chẽ với ngành cá cược và các cơ quan thực thi pháp luật, các giải đấu được theo dõi chặt chẽ hơn và những vụ gian lận được phát hiện kịp thời.

Giáo dục các vận động viên là việc thiết yếu trong công cuộc đấu tranh chống lại mối đe dọa này. Các vận động viên và đoàn tùy tùng tại Thế vận hội Olympic không được phép cá cược trong các trận đấu và phải báo cáo những trường hợp đáng nghi ngờ cho IOC thông qua đường dây nóng tại olympic.org/integrityhotline.Việc này được coi là một biện pháp để bảo vệ sự trong sạch trong các giải đấu.

IOC đã chuẩn bị nhiều chương trình đào tạo, ví dụ như khóa học trực tuyến về sự trong sạch của IOC nhằm nâng cao nhận thức và giải thích những hậu quả của những hành động của vận động viên, đồng thời dậy họ về trách nhiệm bảo vệ bản thân mình (olympic.org/integritylearning)./.