Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
Search

Tin Thể thao trong nước

Tin tức thể thao quốc tế

Con số và sự kiện

Sea Games

Thông báo


Thể thao quốc tế
Thể thao Việt Nam
Thể thao Việt Nam tiếp cận đấu trường Olympic: 20 năm một chặng đường
Thể thao Việt Nam tiếp cận đấu trường Olympic: 20 năm một chặng đường
23/02/2015 15:31

·       * PGS-TS Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban Olympic Việt Nam

Có được tấm HCB của Hiếu Ngân tại Olympic Sydney năm 2000, Việt Nam lần đầu tiên có tên trong bảng xếp hạng của Uỷ ban Olympic quốc tế. Năm 2008, VĐV  Hoàng Anh Tuấn lại lần nữa đưa Việt Nam trở lại bảng xếp hạng với một tấm HCB sau lần lỡ hẹn tại Olympic Athens năm 2004. Cho tới thời điểm đó, Việt Nam vẫn là một quốc gia nằm trong nhóm những nước chưa đủ khả năng vượt qua vòng loại được IOC “tài trợ” vé tham dự Thế vận hội Olympic. Tới năm 2012, với một sự đầu tư tốt hơn, lần đầu tiên Việt Nam có tới 18 VĐV của 11 môn thể thao Olympic đàng hoàng đoạt vé bước tới Olympic London. Có một chút tiếc nuối khi Việt Nam hụt mất 2 HCĐ ở các môn bắn súng và cử tạ, nhưng dù vậy, ít ai chú ý đến “sự kiện” Việt Nam không còn phải nhận vé “cửa hậu” từ IOC để tới Olympic. Thấm thoát đã sắp tới ngày hội lớn nhất tại Rio de Janeiro 2016 và rất nhanh sau đó năm 2020 Olympic lại quay trở về châu Á trên xứ sở Mặt trời mọc.

Thoáng qua một chặng đường 20 năm là vậy, nhưng nhiều người làm công tác TDTT vẫn kiên trì thực hiện nhiệm vụ của mình, của ngành TDTT trong mọi “hoàn cảnh”. Khi chưa rõ thế nào là “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, cần có sự bình thản đón nhận sự phê phán: “Tại sao lại dàn trải như vậy?” Vì họ tin rằng ai chả muốn có thành tích ở đấu trường Olympic, nơi mà toàn thế giới phấn đấu tiếp cận theo 2 khẩu hiệu “Hội nhập” và “Nhanh hơn- Cao hơn- Mạnh hơn”. Sự nhầm lẫn trạng từ “Mạnh hơn” ra thành “Xa hơn” của nhạc sĩ Văn Dung thời nào phải chăng cũng có cái ý thực tế là đường đến Olympic còn xa lắm đối với đa số các môn thể thao Olympic của Việt Nam.

Khi Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII khép lại, không khó nhận ra một vài nhược điểm về chiến lược. Muốn tiến bộ chắc chắn cần sửa đổi, sửa đổi từ việc xác định nhiệm vụ của ngành TDTT phải làm, tới những biện pháp mà ngành TDTT lựa chọn để có thể thực hiện những nhiệm vụ đó.

Nhưng điểm lớn nhất là số lượng môn quá nhiều, quá “tổng hợp” khiến một địa phương mạnh cũng phải đầu tư cho có VĐV ở một môn TTQC phổ cập như Đẩy gậy để giành HCV. Nghe nói có cả địa phương đã phải chạy đua theo trào lưu “chuyển nhượng” rất không “phù hợp”. Chưa kể thành tích của một đơn vị còn được tuyên dương vì đã có các đơn vị cơ sở tổ chức thành công Đại hội TDTT của mình với tỷ lệ % rất cao, phải chăng chỉ tiêu này chưa xét đến tỷ lệ % về sự tốn kém. Kinh phí đó nếu để đầu tư cho các nhân tài của TTTT cao thì tốt biết bao nhiêu. Phải chăng từ thái cực dàn trải cố hữu, ta cần thu gọn, chú trọng những môn thể thao Olympic và ASIAD? Mà nếu chỉ nhắc tới mục tiêu ASIAD và Olympic thì phải chăng ta quên mất sân chơi với tần suất 2 năm 1 lần là: SEA Games.

Nhìn chung đất nước Việt Nam khi thực hiện chủ trương hội nhập thì trước tiên chắc là phải hội nhập với khu vực Đông Nam Á, sau đó là châu lục, và xa hơn đó là “đại dương” Olympic. Từ nhiệm vụ “phải trong Top 3” nay nhẹ nhàng hơn thành “trong nhóm đầu” cũng có nguyên do, nhưng dù sao nếu không coi SEA Games là một “diễn đàn” hữu hiệu của TTVN thì ngoài việc dễ dẫn đến hiẻu lầm là Việt Nam tự loại bỏ một công cụ hữu hiệu để thực hiện nhiệm vụ chính trị của quá trình hội nhập trong khu vực- nơi mà ASEAN ngày càng có vị trí cao về chính trị, kinh tế, quân sự và văn hoá xã hội. Đối với nền TDTT, ở đấu trường SEA Games luôn hiện hữu những môn thể thao trọng điểm của đấu trường ASIAD và Olympic.

Một trong những việc trước tiên cần nhanh chóng tính đến là: Chọn môn. Chon môn hoặc số nội dung của nhóm môn nào đó cho việc hoàn thiện Điều lệ thi đấu Đại hội TDTT toàn quốc; nếu gọi SEA Games là “ao làng” thì Đại hội TDTT toàn quốc phải chăng là “giếng xóm”? Việc phát hiện những nhân tài như Ánh Viên, Kim Tuấn, Hà Thanh, Ngân Thương…nên được chú ý bắt đầu ngay từ những vùng rất “làng, quê, ngõ, xóm”. Sau đó phải tạo điều kiện mài dũa cho những hòn ngọc thô lộ sáng.

Ngành TDTT đang trăn trở nhiều dự án. Điều đó là rất cần. Có nhiều luồng suy nghĩ không giống nhau. Trước đây vào khoảng năm 2009 có một bản đề án được đưa ra để lấy ý kiến toàn ngành trước khi trình Chính phủ phê duyệt cho chiến lược của TTVN. Đề án này đã đề xuất 4 môn: Taekwondo, Cử tạ, Karatedo và Vovinam làm các môn trọng điểm nhóm I của TTVN. Tất nhiên dự án này đã có nhiều ý kiến không đồng thuận nên năm 2010 Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định phê duyệt chiến lược phát triển 10 năm cho ngành TDTT  đến năm 2020 với nhóm các môn trọng điểm chiến lược bao gồm 10 môn và nhóm trọng điểm loại 1 gồm 22 môn. Phải chăng nhờ đó mà tại London 2012 chúng ta mới có 18 VĐV của 11 môn Olympic (trong đó có 5 môn trọng điểm) đoạt vé qua cửa chính tới xứ sở sương mù.

Hy vọng nền TDTT Việt Nam sau khi có những cải cách mang tính cách mạng sẽ có những bước đi đúng hướng, bùng nổ và thành công trong năm Ất Mùi, tạo nền tảng cho cuộc “hành quân” đầy thách thức tới Rio de Janero năm 2016. Và tất nhiên chúng ta cùng kỳ vọng cả sự “lột xác” sau đó ở ASIAD18 năm 2018 tại Indonesia và ở Olympic lần thứ 32 Tokyo năm 2020./.