Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
Search

Tin Thể thao trong nước

Tin tức thể thao quốc tế

Con số và sự kiện

Sea Games

Thông báo


Thể thao quốc tế
Thể thao Việt Nam
Thay đổi về số lượng vận động viên thi đấu môn cử tạ tại Thế vận hội Olympic Tokyo 2020
Thay đổi về số lượng vận động viên thi đấu môn cử tạ tại Thế vận hội Olympic Tokyo 2020
27/10/2017 15:44

Môn cử tạ tại Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 sẽ hoàn toàn khác biệt so với Rio 2016 nếu như một loạt các thay đổi (đang được các chuyên gia thảo luận) được Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) thông qua.

Những thay đổi có thể xảy ra bao gồm việc loại bỏ các nhóm (bảng) B, giới hạn cho 14 vận động viên, cắt giảm số lượng vận động viên cho mỗi đội tuyển cử tạ Olympic tối đa từ 10 xuống 8 và bổ sung thêm các hạng cân mới cho nam và nữ.

Một hệ thống thi đấu vòng loại Olympic cũng sẽ được đưa vào hoạt động dựa trên thành tích cá nhân thay vì thành tích của đội tuyển quốc gia.

Có 8 hạng cân dành cho nam và nữ tại các giải đấu IWF, nhưng sẽ chỉ có 7 hạng cân ở Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 sau khi Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) giảm số lượng vận động tham dự đối với một số môn thể thao, trong đó số lượng vận động viên cử tạ bị cắt giảm từ 260 xuống 196.

"Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo rằng môn cử tạ là một môn Olympic, nhưng trong tương lai có thể không phải tất cả các nội dung thi đấu đều thuộc Olympic, giống như ở nhiều môn thể thao khác", ông Attila Adamfi, Tổng giám đốc IWF nói với Ban Chương trình Thi đấu (SPC), cơ quan quyết định những nội dung thi đấu nào nên được bổ sung tại Thế vận hội Tokyo 2020.

Cơ quan này, gồm hai cố vấn độc lập, chưa đưa ra quyết định cuối cùng và sẽ họp thêm lần nữa trước khi báo cáo Ban Chấp hành IWF vào cuối tháng 11/2017.

Tại phiên họp đầu tiên vào tháng 9/2017, ông Tamás Aján, Chủ tịch IWF, cho biết SPC sẽ tập trung vào “chất lượng của chương trình thi đấu” và sẽ đề xuất về hình thức thi đấu, các hạng cân và hệ thống vòng loại Olympic.

Ủy ban Olympic quốc tế muốn chứng kiến một sự thay đổi và cảm thấy không hài lòng đối với việc giữ hạng cân 94kg vì lý do phát hiện nhiều vận động viên sử dụng doping trong hạng cân này ở Thế vận hội Olympic 2008 và 2012.

Tuy nhiên, ông Antonio Urso, Chủ tịch Liên đoàn Cử tạ Châu Âu không đồng tình với ý kiến trên: “Chúng ta không thể loại bỏ hạng cân này và giữ các hạng cân còn lại, vì sẽ có sự chênh lệch 20kg giữa các hạng cân 85kg và 105kg”.

Ông Hasan Akkus, Tổng Thư ký Liên đoàn Cử tạ Châu Âu, cũng nghiên cứu các kết quả và những hạng cân, và tin rằng sự chênh lệch giữa hai hạng cân nhẹ nhất của nữ (48kg và 53kg) là rất thấp.

“Người thắng cuộc ở hạng cân 48kg thường giành luôn huy chương ở hạng cân 53kg,” ông Akkus nói. “Việc sử dụng càng nhiều các số liệu trước khi quyết định bổ sung hay loại bỏ một hạng cân là hoàn toàn hợp lý, vì môn cử tạ là một môn dựa vào các dữ liệu thống kê.”

Ông Kyle Pierce, giáo sư người Mỹ về Kinesiology (khoa học đa ngành, bao gồm nghiên cứu trong các lĩnh vực giải phẫu học, cơ chế sinh học, sinh lý học, hành vi tâm thần vận động, và các yếu tố xã hội và văn hóa), chỉ ra rằng hạng cân nặng nhất của nam, trên 150kg, có vẻ “rất nhẹ” vì cân nặng trung bình của các vận động viên tại Thế vận hội Olympic Rio 2016 và tại các giải vô địch thế giới IWF là khoảng 140kg.

Ông hoan nghênh những nghiên cứu về trọng lượng cơ thể trên thế giới nhưng chỉ ra rằng “trọng lượng của một người trung bình rất khác so với trọng lượng của một đô cử trung bình.”

SPC được giao nhiệm vụ nghiên cứu cách thúc đẩy tính sáng tạo trong môn cử tạ và tiếp tục hoạt động sau tháng 12/2017 (thời hạn cho IWF thuyết phục IOC rằng họ đang phát triển một chiến lược phòng chống doping mạnh mẽ).