Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Search

Tin Thể thao trong nước

Tin tức thể thao quốc tế

Con số và sự kiện

Sea Games

Thông báo


Thể thao quốc tế
Thể thao Việt Nam
Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao
Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao
21/11/2017 06:36

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV trong phiên họp toàn thể chiều 15/11.

Luật Thể dục, thể thao được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2007. Qua tổng kết thực tiễn mười năm thi hành, Luật TDTT đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực, nổi bật.  Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đến nay Luật TDTT đã bộc lộ một số bất cập.

Xuất phát từ tình hình thực tế, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT đã trực tiếp sửa đổi, bổ sung 22 điều, giữ nguyên 57 điều, bổ sung 1 điều mới.

Các vấn đề liên quan đến thi đấu thể thao quần chúng; giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; quyền và nghĩa vụ của vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao; phát triển thể thao chuyên nghiệp và câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; xã hội hóa và các chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực thể dục, thể thao;... là những nội dung lớn được các đại biểu tập trung thảo luận.

Trong dự thảo Luật có sửa đổi, bổ sung các khoản của Điều 21, Điều 25 như bổ sung về  hướng dẫn nội dung hoạt động thể thao ngoại khoá trong nhà trường; cơ sở thể thao công lập có trách nhiệm phối hợp với các cơ sở giáo dục để sử dụng các công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường; nhà trường có trách nhiệm tổ chức mỗi năm ít nhất một cuộc thi đấu thể thao toàn trường; tổ chức huấn luyện và thi đấu thể thao ứng dụng nghiệp vụ phục vụ cho công tác, chiến đấu và thể thao thành tích cao;... Đại biểu Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa), Đinh Thị Kiều Trang (Nghệ An) và nhiều ý kiến cho rằng, việc bổ sung các quy định tại các điều 21, 25 như trên chưa tạo được nền tảng cho thể thao trong nhà trường phát triển; giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường khó có thể đảm bảo mục tiêu.

 “Trong điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực của các trường học còn có khoảng cách trong phát triển giữa các vùng miền, tôi e rằng việc quy định nhà trường có trách nhiệm tổ chức mỗi năm ít nhất một cuộc thi đấu thể thao toàn trường sẽ thiếu tính khả thi, dẫn tới tình trạng các trường tổ chức theo hình thức, gây lãng phí, hiệu quả thấp, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu lại quy định này”, đại biểu Đinh Thị Kiều Trang (Nghệ An) phát biểu.

Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu), Nguyễn Tạo (Lâm Đồng)  cùng ý kiến  đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định, chính sách về đãi ngộ đối với các vận động viên, nhất là vận động viên thể thao thành tích cao, vận động viên là người khuyết tật, vận động viên không may gặp rủi ro trong thi đấu, tập huyện; quan tâm lồng ghép vấn đề về bình đẳng giới trong lĩnh vực thể dục thể thao.

Về đặt cược thể thao, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù đặt cược thể thao là nhu cầu thực tiễn, có thể huy động được nguồn vốn đầu tư lớn cho lĩnh vực thể dục, thể thao nhưng đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cần phải có báo cáo đánh giá tác động cụ thể, chi tiết. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) phát biểu: Hiện nay chúng ta chỉ mới thí điểm kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế theo quy định tại Nghị định 06 của Chính phủ có hiệu lực từ 31/3/2017, cần có thời gian thực hiện để tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng các nội dung này trước khi quyết định đưa các nội dung thí điểm vào luật để mang tính khả thi.

Trong phần tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã có giải trình ngắn gọn, cầu thị. Theo Bộ trưởng, hầu hết các ý kiến tâm huyết của các đại biểu đều tập trung vào vấn đề làm thế nào để thể thao quần chúng phát triển, đáp ứng được mục tiêu dân cường, nước thịnh, nâng cao thể lực, tầm vóc cho người Việt Nam, góp phần làm giảm tệ nạn xã hội, giáo dục đạo đức, lối sống…

Trong lần sửa đổi, bổ sung này, Luật cũng nhắm đến  đích là làm sao để tạo cơ chế, chính sách, động lực để thể thao quần chúng phát triển, làm sao cho số lượng người dân tham gia rèn luyện thể thao ngày càng đông hơn. Với trách nhiệm của mình, Bộ VHTTDL sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội về thể thao học đường, được xem là nền tảng của thể thao quần chúng và các vấn đề liên quan đến sự phát triển của thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp, đặt cược thể thao, để hoàn thiện Luật trước khi trình Chính phủ và Quốc hội./. (Tổng hợp nguồn: Cổng thông tin Quốc hội, baochinhphu.vn, baovanhoa.vn)