Thứ Ba, Tháng Tư 30, 2024
Search

Tin Thể thao trong nước

Tin tức thể thao quốc tế

Con số và sự kiện

Sea Games

Thông báo


Thể thao quốc tế
  • Giải bóng đá trẻ quốc tế Việt Nam – Brazil

    Giải sẽ được tổ chức tại Làng thể thao Tuyên Sơn, Đà Nẵng trong hai ngày 27-28.4với sự tham gia của các đội tuyển U9, U11, U13 và U15 đến từ Việt Nam, Brazil, Ấn Độ, Brunei, Lào và một số nước...

  • Nữ VĐV có nhiều lợi thế để tạo ra thương hiệu

    Có khoảng 60-70% nữ VĐV không theo ngành thể thao sau khi giã từ sự nghiệp, trong số đó có rất nhiều chị em đã đạt được thành công ở ngành nghề mới, bởi họ có nghị lực,...

  • Dốc sức cho chặng đua nước rút

    Chỉ còn hơn 3 tháng nữa, Olympic Paris 2024 sẽ chính thức khai mạc tại Paris (Pháp). Hiện các cuộc thi đấu giành vé dự Thế vận hội đang diễn ra ngày càng quyết liệt. Và thể thao...

  • Việt Nam giành thêm 2 vé chính thức dự Olympic

    Tin vui đến với thể thao Việt Nam vào sáng 21.4 khi cả 2 môn Canoeing và Rowing đều mang về suất dự Thế vận hội thể thao lớn nhất thế giới – Olympic Paris 2024.

  • Cơ hội nào để U23 Việt Nam dự Olympics 2024?

     Cục diện bảng D, vòng chung kết U23 châu Á 2024, đã ngã ngũ sau lượt trận thứ hai. U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan dắt tay nhau vào vòng tứ kết khi lần lượt đánh bại Malaysia...

Thể thao Việt Nam
Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm: Hướng tới Olympic và Asian Games
Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm: Hướng tới Olympic và Asian Games
10/04/2024 11:00

Cục Thể dục thể thao đang tiến hành xây dựng Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và Asian Games đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Khi được các cấp phê duyệt, Đề án được chờ đợi sẽ giúp Thể thao Việt Nam có bước chuẩn bị tốt cho tương lai.

Một trong những khó khăn của thể thao thành tích cao là nguồn lực về tài năng trẻ chưa nhiều Ảnh: QUÝ LƯỢNG

 Đánh giá phân tích kỹ thực trạng

Trong lịch sử hơn 78 năm, ngành Thể thao đã đạt được nhiều thành tích vang dội, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Trong đó dấu son đáng tự hào là chiếc HCV Olympic tại Rio - Brazil năm 2016 của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Cùng với đó là những thành tích đầy tự hào khác như chiếc HCB cũng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cùng năm 2016, rồi chiếc HCB Olympic đầu tiên của võ sĩ Trần Hiếu Ngân, tấm HCB môn cử tạ của đô cử Hoàng Anh Tuấn tại Olympic 2008. Trên đấu trường lớn nhất của châu lục, tại các kỳ Asian Games (ASIAD), Thể thao Việt Nam cũng đoạt nhiều chiếc huy chương đáng tự hào.

Tuy nhiên thực tiễn qua các kỳ Olympic 2020, ASIAD 2018 và 2022 cũng chỉ ra rằng đã tới lúc Thể thao Việt Nam tiếp tục cần có sự nhìn nhận mới về cách thức đầu tư cho thể thao thành tích cao. Nếu chúng ta không thay đổi cách đầu tư thì rất khó hướng tới đấu trường lớn nhất châu lục và thế giới. Xuất phát từ thực tiễn cấp bách này, Bộ VHTTDL đã giao Cục Thể dục thể thao xây dựng Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và Asian Games đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 nhằm đưa ra các mục tiêu, lộ trình cụ thể cho thể thao thành tích cao phát triển, vươn tầm châu lục và thế giới tương xứng với vị thế của Việt Nam trong thời gian tới.

Hiện Đề án đang được Cục Thể dục thể thao phối hợp cùng các đơn vị gấp rút xây dựng với mục đích tạo sự chuyển biến về số lượng, chất lượng đội ngũ vận động viên, huấn luyện viên làm tiền đề cho bước phát triển đột phá về thành tích các môn thể thao trọng điểm, để thể thao thành tích cao Việt Nam sánh vai với thể thao các nước trong khu vực, châu lục và thế giới tại các kỳ Olympic và ASIAD đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Việc xây dựng Đề án sẽ dựa trên những phân tích kỹ, đánh giá chính xác thành tích các môn thể thao thành tích cao của Việt Nam tại các đấu trường châu lục, thế giới, Olympic, từ đó làm cơ sở xác định rõ nhiệm vụ và giải pháp thực hiện phát triển các môn thể thao trọng điểm trong tình hình hiện nay. Việc đánh giá, phân tích kỹ thực trạng cũng giúp cho việc xây dựng Đề án sát thực và có tính khả thi.

Kỳ vọng tạo bước đột phá mới

Theo các chuyên gia, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện Thể thao Việt Nam đang phải đối mặt với những hạn chế như nguồn lực về tài năng VĐV trẻ chưa nhiều. Thứ nhất, hiện cả nước chỉ có khoảng 960 VĐV tại các đội tuyển trẻ quốc gia, số lượng đào tạo trẻ của một số môn thể thao, nội dung mũi nhọn còn rất hạn chế. Đơn cử như môn Thể dục dụng cụ, hiện chỉ có 5 đơn vị đào tạo VĐV chuyên nghiệp; Đội tuyển trẻ Thể dục dụng cụ chỉ có 26 VĐV tập huấn tại Hà Nội và Cần Thơ.

Thứ hai, các VĐV có khả năng tranh chấp huy chương trên đấu trường Olympic và ASIAD chưa thực sự được như mong đợi và duy trì được sự ổn định về thành tích; thành tích và số lượng VĐV tham dự tại các kỳ Olympic cũng không ổn định. Tại Olympic London năm 2012, Việt Nam có 18 VĐV giành suất tham dự và có được 1 HCĐ ở môn Cử tạ. Đến Olympic Rio năm 2016, chúng ta có 23 VĐV tham dự và giành được 1 HCV và 1 HCB môn Bắn súng. Tuy nhiên tại Olympic Tokyo 2020, Thể thao Việt Nam chỉ có 18 VĐV vượt qua vòng loại và không giành được huy chương. Hiện chúng ta cũng chỉ đặt mục tiêu có từ 12-15 VĐV giành vé đến Olympic Paris 2024.

Thực tế cho thấy đó là, mặc dù tại các kỳ SEA Games Việt Nam vẫn duy trì được vị trí và sự tiến bộ, nhưng tại đấu trường Olympic, chúng ta vẫn chưa có được sự ổn định và đảm bảo về thành tích, nhất là khi so sánh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Đây cũng là các quốc gia luôn đảm bảo cả số lượng và chất lượng lực lượng VĐV khi tham dự các kỳ Olympic. Điều này cũng tương tự như ở các kỳ ASIAD, cho dù không bị giới hạn nhiều về số lượng VĐV tham dự, nhưng thành tích của chúng ta còn rất hạn chế.

Thứ ba là nguồn HLV nội đạt trình độ đào tạo được VĐV có huy chương tại Olympic và ASIAD còn rất khiêm tốn. Thứ tư, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ việc tập luyện dù đã được quan tâm nhưng vẫn còn thiếu: Trung tâm HLTTQG Hà Nội mới đáp ứng được 50%, Trung tâm HLTTQG TP.HCM đáp ứng được 30%, Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng, Cần Thơ còn thiếu một số hạng mục cơ bản như bể bơi, sân đá bóng, đường chạy tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các thành tựu của khoa học công nghệ, dinh dưỡng thể thao và các điều kiện đảm bảo khác như chăm sóc sức khỏe, hồi phục, chữa trị chấn thương, tâm lý... còn nhiều hạn chế. Điều này đã tạo ra giới hạn cho công tác huấn luyện, giới hạn cho thành tích của các VĐV.

Thứ năm, chúng ta còn eo hẹp về kinh phí tập huấn dài hạn ở nước ngoài và thi đấu quốc tế, đặc biệt là tại các nước mạnh về thể thao thành tích cao. Thứ sáu, chúng ta hiện không đủ kinh phí thuê những chuyên gia giỏi, hàng đầu châu lục và thế giới. Để có lực lượng chuyên gia đủ tầm, chúng ta cần đáp ứng mức lương khoảng 8.000 USD/tháng cho từ 20 đến 25 chuyên gia. Tuy nhiên, mức lương trung bình hiện nay Việt Nam đang chi trả cho chuyên gia là từ 3.000 USD đến 4.000 USD/ tháng. Thứ bảy, hệ thống thi đấu trong nước hiện thiếu các giải thi đấu quốc tế đỉnh cao…

Từ thực trạng trên cho thấy thể thao thành tích cao của Việt Nam cần có sự điều chỉnh nhằm đáp ứng với những thay đổi của điều kiện thực tế, giúp cho các VĐV nâng cao năng lực cạnh tranh tại Olympic và ASIAD. Theo kế hoạch trong năm nay Đề án sẽ được phê duyệt, từ đó sẽ tạo bước đột phá cho Thể thao Việt Nam tại các đấu trường lớn. 

THU SÂM