Nội dung cuộc tọa đàm tập trung vào 3 chủ đề chính: Sự phát triển kinh tế thể thao Trung Quốc và Việt Nam; Bảo vệ quyền lợi của vận động viên và hướng nghiệp vận động viên sau khi nghỉ thi đấu; Thông tin về công tác chuẩn bị Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) lần thứ 19 tại Hàng Châu - Trung Quốc và tình hình phát triển Thể thao điện tử ở 2 nước.
Tọa đàm diễn ra buổi chiều 28/6 ở hai đầu cầu: Trụ sở Tổng cục TDTT tại Hà Nội và Phòng thu của Đài Phát thanh-Truyền hình Trung ương Trung Quốc. Phía Việt Nam có các đại biểu từ Ban Kinh tế Trung ương; đại diện các nhà quản lý, nhà khoa học thuộc Tổng cục TDTT, Ủy ban Olympic Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các Trường Đại học TDTT, Lãnh đạo một số Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia và nhiều VĐV tiểu biểu.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Đặng Hà Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam nêu rõ: “Cuộc tọa đàm hôm nay một lần nữa minh chứng sự hợp tác Việt Nam – Trung Quốc, tiếp tục là cơ hội thuận lợi để hai nước tiếp tục giao lưu học hỏi, trao đổi về lĩnh vực mới trong quản lý, phát triển thể thao và phong trào Olympic trong tương lai. Các đại biểu giữa hai nước cũng trao đổi các vấn đề về kinh tế thể thao, hướng nghiệp VĐV sau khi nghỉ thi đấu, bảo vệ quyền lợi VĐV. Và thông qua sự kiện này, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau và nâng cao tinh thần thể thao hai nước theo đúng khẩu hiệu Olympic: Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn - Cùng nhau”.
Từ đầu cầu Trung Quốc, Giáo sư Hà Văn Nghĩa - Tổng thư ký Cơ sở Nghiên cứu Kinh tế thể thao của trường Đại học Bắc Kinh, Giáo viên Lớp VĐV vô địch Olympic, nêu ra một số đề xuất để Thể thao Việt Nam tham khảo, trước hết là cải thiện cơ sở hạ tầng, tiếp đó là khuyến khích các Liên đoàn, Hiệp hội, doanh nghiệp thể thao phát triển lành mạnh. “Tổ chức thi đấu thể thao, đây là nội dung và cơ sở quan trọng để các thương hiệu quốc gia, thành phố được nâng cao và mở rộng tầm ảnh hưởng. Mặt khác, phía Việt Nam có thể tích cực thu hút các cuộc thi đẳng cấp quốc tế. Ngoài ra, phát triển thêm tiêu dùng thể thao phải bắt đầu từ tầng lớp thanh thiếu niên. Ra sức phát triển thể thao đại chúng, đây là phần rất quan trọng. Tiếp đến, tích cực thúc đẩy hội nhập xuyên biên giới giữa ngành thể thao và các ngành liên quan khác, kết hợp với thực tế Việt Nam. Thúc đẩy hội nhập của thể thao với lối sống cộng đồng, ngành bất động sản, ngành du lịch, nông nghiệp, bồi dưỡng đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, mở rộng hợp tác quốc tế, đạt được kết quả đôi bên cùng có lợi” - Giáo sư Hà Văn Nghĩa phân tích.
Dự cuộc Tọa đàm, ông Đỗ Việt Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam, nêu rõ, vào tháng 9 tới, E-Sport sẽ trở thành môn thi đấu chính thức tại ASIAD 19 ở Hàng Châu. Đây sẽ là cơ hội thúc đẩy phát triển thị trường E-Sport, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời là một lĩnh vực hợp tác có triển vọng giữa Trung Quốc và Việt Nam.
“Cuộc Tọa đàm cũng rất đúng thời điểm, trong bối cảnh thể thao Việt Nam đang hướng tới ASIAD. Thể thao điện tử Trung Quốc hiện nay đang nằm ở nhóm số 1 ở rất nhiều bộ môn. Qua Tọa đàm hôm nay, chúng tôi lắng nghe, chia sẻ thông tin với các chuyên gia Trung Quốc để qua đó chúng tôi nhận được sự tư vấn, làm sao để tiếp tục nhận thức, điều chỉnh, tư vấn cho lãnh đạo ngành thể thao tại Việt Nam có những chính sách, cơ chế thich hợp, đồng thời với việc thúc đẩy nội dung phát triển E-Sport Việt Nam đúng hướng và chất lượng” - Tổng thư ký Đỗ Việt Hùng chia sẻ.
Cũng tại cuộc Tọa đàm, đại biểu hai nước cũng thảo luận chủ đề "Sắp xếp công việc cho các VĐV sau khi giải nghệ", nhấn mạnh rằng chỉ bằng cách giải tỏa nỗi lo này thì các VĐV mới yên tâm theo đuổi và cống hiến cho sự nghiệp Thể dục thể thao, cố gắng thi đấu hết mình, vì màu cờ sắc áo của quốc gia./.