Đây cũng là thử thách rất lớn với ban huấn luyện và các vận động viên trên chặng đường chinh phục đỉnh cao thành tích trong năm tới.
VĐV Nguyễn Văn Khánh Phong thực hiện bài thi môn Thể dục dụng cụ nội dung Vòng treo tại ASIAD 2023 ở Hàng Châu, Trung Quốc ngày 28/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Thể dục dụng cụ là môn thể thao cơ bản của Olympic. Những năm qua, dù nguồn lực có hạn nhưng Đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam đã giành được nhiều thành tích đáng biểu dương tại các đấu trường quốc tế. Với sân chơi Olympic, Việt Nam luôn có vận động viên vượt qua vòng loại và góp mặt ở 3 kỳ liên tiếp vào các năm 2012, 2016, 2020…Gần đây nhất là Huy chương Bạc tại ASIAD 19; trước đó là Huy chương Vàng ở SEA Games 32. Đây chính là nền tảng vững chắc giúp Thể dục dụng cụ Việt Nam tự tin tìm vé tham dự Olympic Paris 2024.
Không giống các môn thể thao khác, thể dục dụng cụ không tính điểm thành tích ở ASIAD. Do đó, Ban huấn luyện Đội tuyển Thể dục dụng cụ và các vận động viên phải rất nỗ lực để "săn" vé dự Olympic Paris 2024. Huấn luyện viên Đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam Trương Minh Sang chia sẻ, năm 2023 diễn ra nhiều sự kiện quốc tế lớn như: SEA Games 32, ASIAD 19, các giải vô địch châu Á, thế giới… Để có được thành tích cao ở mỗi đấu trường, Ban huấn luyện phải tính toán, chọn "điểm rơi" cho từng vận động viên. Thành tích của vận động viên Nguyễn Văn Khánh Phong tại ASIAD 19 là niềm vui, tự hào của thầy và trò sau nhiều nỗ lực thời gian qua. Đó cũng là động lực để toàn đội cố gắng nhiều hơn trên con đường chinh phục đỉnh cao thành tích, mục tiêu lớn nhất lúc này là giành vé tham dự Olympic Paris 2024.
Năm 2024, Thể dục dụng cụ Việt Nam sẽ tham dự từ 3-4 giải đấu, trong đó có Cúp thế giới (World Cup), cũng là vòng loại Olympic. Mỗi vận động viên tham dự ở từng nội dung phải xếp ít nhất ở 2 vị trí đầu tiên thì mới được chọn thi Olympic. Việc chuẩn bị cho Giải Vô địch châu Á 2024 cũng rất quan trọng, bởi vận động viên sẽ phải tranh suất chính thức Olympic ở nội dung toàn năng. Giải đấu này khốc liệt hơn khi chỉ người xếp vị trí cao nhất giành quyền tham dự Olympic.
“Ngoài Khánh Phong, Xuân Thiện, Hải Khang, Vĩ Lương,… chúng tôi tính toán để giúp các vận động viên tham dự Cúp thế giới phải vào chung kết để có cơ hội xếp vị trí cao. Sau 3-4 giải đấu, Ban huấn luyện tính điểm xem vận động viên nào đủ điều kiện vượt qua vòng loại, chuẩn bị thật tốt nhất về sức khỏe, tâm lý và chuyên môn”, Huấn luyện viên Trương Minh Sang chia sẻ.
Để chuẩn bị cho Olympic Paris 2024, ngoài việc tập huấn trong nước, Đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam đã được Liên đoàn Thể dục Nhật Bản tài trợ một chuyến tập huấn. Đoàn sẽ gồm Huấn luyện viên Trương Minh Sang cùng 3 vận động viên là Hải Khang, Khánh Phong và Xuân Thiện. Đây là cơ hội để các vận động viên tiếp cận, học hỏi trình độ chuyên môn cao của nước bạn, tích lũy thêm kinh nghiệm, kiến thức, bổ trợ việc huấn luyện.
Vận động viên Nguyễn Văn Khánh Phong là gương mặt tiêu biểu của làng thể dục dụng cụ Việt Nam năm nay. Anh "gặt hái" được Huy chương Vàng vòng treo SEA Games 32, Huy chương Bạc ASIAD 19. Anh cũng được kì vọng lớn nhất giành cho tấm vé tham dự Olympic Paris 2024 của Thể dục dụng cụ Việt Nam. Để cụ thể hóa mục tiêu lớn trong năm tới, Ban huấn luyện cũng như mỗi vận động viên đều đang nỗ lực, bám sát kế hoạch, chiến lược đặt ra cho Đội tuyển Thể dục dụng cụ, trong đó có hoàn thiện kỹ thuật chuyên môn, chuẩn bị tốt nhất cho các giải đấu quốc tế...
Nam Sương (TTXVN)