Thứ Sáu, Tháng Mười Hai 27, 2024
Search

Tin Thể thao trong nước

Tin tức thể thao quốc tế

Con số và sự kiện

Sea Games

Thông báo


Thể thao quốc tế
Thể thao Việt Nam
Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X: Khuyến khích các địa phương phát triển các môn Olympic
Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X: Khuyến khích các địa phương phát triển các môn Olympic
07/10/2024 15:52
Đoàn công tác của Bộ VHTTDL do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM, Sở VHTT Thành phố về công tác chuẩn bị cho việc đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X.

Sau khi làm việc với UBND và Sở VHTT TP.HCM, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cùng các thành viên trong đoàn đã trực tiếp tới khảo sát, kiểm tra chi tiết một số địa điểm thi đấu. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đã đánh giá cao sự chuẩn bị kịp thời, chủ động, tích cực của TP.HCM và nhấn mạnh, việc đăng cai Đại hội sẽ có ý nghĩa đặc biệt, tạo bước tiến lớn cho thể thao Thành phố, đóng góp nhiều hơn nữa cho thể thao Việt Nam. Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị các bộ phận chuyên môn của Cục TDTT tăng cường phối hợp chặt chẽ với TP.HCM trong công tác tổ chức Đại hội.

 TP.HCM tích cực chuẩn bị cho Đại hội

Đại hội Thể thao toàn quốc là sự kiện thể thao lớn nhất nước, được tổ chức theo chu kỳ 4 năm một lần, hiện TP.HCM và 5 địa phương vệ tinh là Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bình Phước đang dồn lực, tích cực chuẩn bị cho Đại hội.

Với vai trò là đơn vị đăng cai chính, thời gian qua thành phố mang tên Bác đã chủ động, tích cực chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội. Dưới sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố, Sở VHTT đã phối hợp cùng các đơn vị sớm xây dựng dự thảo Đề án tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X và lập các đoàn công tác để phối hợp rà soát, kiểm tra các địa điểm tổ chức thi đấu. Sự chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa của đơn vị đăng cai sẽ giúp cho công tác chuẩn bị cho Đại hội chu đáo.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu bước đột phá của thể thao Thành phố trong thời kỳ hội nhập. Chính vì thế, TP.HCM sẵn sàng tạo mọi điều kiện, cũng như phối hợp với các đơn vị liên quan để chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội một cách chu đáo, từ cơ sở vật chất, kỹ thuật, hậu cần... Đây cũng được xem là hoạt động ghi dấu ấn nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Nguyễn Nam Nhân cho biết, TP.HCM đăng cai Đại hội thể thao toàn quốc gần đây nhất vào năm 2006. Như vậy phải sau 20 năm, Thành phố mới có cơ hội cùng các địa phương lân cận được đăng cai tổ chức Đại hội. Vì thế đây được xem là dịp để “vực dậy” các thiết chế thể thao cũng như tạo đà cho thể thao Thành phố phát triển vững mạnh hơn nữa trong tương lai. Việc phối hợp cùng các địa phương lân cận tổ chức Đại hội sẽ góp phần kích thích sự phát triển của thể thao cũng như đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung của khu vực phía Nam; đồng thời là dịp để chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và Thành phố trong năm 2025, 2026.

Dự kiến TP.HCM sẽ đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng để tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ Đại hội Thể thao toàn quốc 2026. Theo kế hoạch, cuối năm 2024 Thành phố sẽ bắt đầu khởi công các dự án là sân vận động Thống Nhất, nhà thi đấu TDTT Phú Thọ, Nhà tập luyện TDTT Phú Thọ, sân vận động Hoa Lư, CLB bơi - lặn Phú Thọ và xây mới Khu trung tâm đào tạo VĐV năng khiếu TDTT đặt tại sân Hoa Lư. Năm 2025, Thành phố sẽ hoàn thành việc tu sửa, nâng cấp các công trình TDTT theo kế hoạch. Ngoài ra, các cơ sở quận, huyện trên địa bàn cũng tiếp tục sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, địa điểm lưu trú để phục vụ tốt nhất cho Đại hội.
Ưu tiên các môn Olympic

Hiện Cục Thể dục thể thao đang phối hợp tích cực với đơn vị đăng cai là TP.HCM và các địa phương trên cả nước để hoàn thiện đề án đăng cai tổ chức Đại hội, trình Bộ VHTTDL.

Theo dự thảo Đề án đăng cai Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ X, sẽ có từ 45-46 môn thể thao được tổ chức. Các môn sẽ được chia thành 3 nhóm gồm: nhóm 1 là các môn trong chương trình thi đấu Olympic; nhóm 2 là các môn thuộc chương trình thi đấu Asiad, SEA Games; nhóm 3 là các môn thể thao khác. Việc lựa chọn các môn, nội dung thi đấu được căn cứ trên thực trạng phát triển của thể thao Việt Nam, quy định lựa chọn các môn của các Đại hội thể thao quốc tế lớn và theo định hướng của Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam.
Điểm đặc biệt trong dự thảo Đề án này là chủ trương hướng tới đấu trường Olympic và Asian Games, như tinh thần của Chiến lược phát triển Thể dục thể thao sắp được phê duyệt. Theo đó Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X, sẽ ưu tiên tổ chức các môn, nội dung Olympic, Asian Games rồi mới đến các môn có trong chương trình thi đấu của SEA Games và chọn lọc các môn thể thao mang tính truyền thống, các môn thể thao dân tộc thu hút được người dân tham gia.

Tại buổi làm việc, các bộ phận chuyên môn đã bàn bạc, tính toán kỹ lưỡng về số môn thi đấu cũng như các nội dung thi đấu của Đại hội. Đặc biệt các ý kiến cũng thống nhất sẽ thí điểm hệ thống tính điểm các môn Ol­ympic tại Đại hội nhằm khuyến khích các địa phương phát triển các môn Olympic. Theo đó huy chương của các môn, nội dung Olympic sẽ được xét hệ số điểm cao nhất, tiếp đến sẽ là các môn, nội dung thi đấu tại Asian Games và cuối cùng là SEA Games. Điều đó tương ứng với việc, địa phương nào càng đoạt được nhiều huy chương từ các môn, nội dung Olympic thì sẽ có ưu thế, có tổng điểm cao hơn và vị trí cao hơn trên bảng tổng sắp.

Đây là cách làm mà Trung Quốc đã áp dụng thành công và thành tích liên tiếp đứng thứ nhì tại hai kỳ Olympic gần đây, vươn lên trở thành cường quốc về thể thao của thế giới đã là minh chứng thuyết phục cho cách làm đầy hiệu quả của nước này. Ý tưởng này cũng xuất phát từ việc nghiên cứu thực trạng của thể thao Việt Nam hiện nay khi đa phần các địa phương ít tập trung đầu tư vào các môn Olympic tập thể như bóng ném, bóng rổ vì tốn kém kinh phí mà huy chương vàng cũng chỉ được tính với số lượng là 1 chiếc.

Thực tế việc đầu tư cho các môn Olympic cũng đòi hỏi phải có thêm các điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí, thời gian và chịu sự cạnh tranh lớn nên thời gian qua, các địa phương cũng không mấy mặn mà. Hy vọng với cách tính ưu tiên điểm số cho các môn Olympic này, thể thao Việt Nam sẽ có sự thay đổi toàn diện, từ gốc - chính là các địa phương trên cả nước. 
Báo Văn hóa