Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Search

Tin Thể thao trong nước

Tin tức thể thao quốc tế

Con số và sự kiện

Sea Games

Thông báo


Thể thao quốc tế
Thể thao Việt Nam
Những kiến nghị mới cho giải pháp phòng, chống đuối nước ở trẻ em
Những kiến nghị mới cho giải pháp phòng, chống đuối nước ở trẻ em
17/12/2020 20:02
Sáng 15/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu tại Việt Nam (GHAI) tổ chức Hội thảo “Tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước ở trẻ em”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà cho biết Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới đã phê chuẩn Công ước quốc tế quyền trẻ em. Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện Công ước đã cam kết và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên bên cạnh những thành công vẫn còn nhiều thách thức đối với Việt Nam để chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu của Chính phủ vào năm 2020. Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam trong 10 năm qua số trẻ tử vong vì đuối nước giảm từ 3.300 (năm 2010) xuống hơn 2.000 (năm 2019) nhưng vẫn ở mức cao. Đuối nước là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở trẻ em, trung bình 100.000 trẻ sẽ có khoảng 7 đến 8 em đuối nước. Con số này của Việt Nam đang báo động cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp khoảng 10 lần các nước phát triển.

Tại Hội thảo các đại biểu đã có nhiều ý kiến phát biểu, tham luận đưa ra thêm những kiến nghị cụ thể nhằm tăng cường cho các giải pháp phòng, chống đuối nước ở trẻ em hiện tại.

Đại biểu từ Nghệ An- Phó trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Võ Văn Dũng kiến nghị luật hóa, quy định rõ hình phạt khi không quản lý trẻ em, dẫn đến tai nạn đuối nước. Hiện bất cập có nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống tai nạn thương tích, trong đó có đuối nước trẻ em, nhưng đa số chỉ nói "tăng cường, đẩy mạnh" chứ chưa thấy quy định bắt buộc nào, chưa chỉ rõ không quản lý được trẻ em, dẫn đến tai nạn thương tâm thì xử phạt ai, mức phạt thế nào.

Tại nhiều nước, việc để trẻ em ra đường mà không ai quản lý có thể bị phạt, chưa nói việc để xảy ra tai nạn. Việc sơ suất, không chăm sóc, bảo vệ trẻ em dẫn tới tai nạn không ai mong muốn, nhưng cần được luật hóa để xử phạt.
Ngoài cụ thể hóa khung xử phạt công tác tuyên truyền, dân vận là chưa đủ mà cần cả "quan vận", tức nâng cao nhận thức cho chính quyền, cấp lãnh đạo về đuối nước để đưa ra chỉ đạo sâu sát, quyết liệt hơn. Việc phòng chống đuối nước trẻ em cần sự tham gia của các bộ, ban ngành chứ không chỉ là trách nhiệm của riêng đơn vị nào.

Đại diện TƯ Đoàn- Phó chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Lê Hải Long đề xuất Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo đưa vào giờ vàng cho học sinh, giới thiệu các kỹ năng phòng, chống đuối nước cần thiết. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế cho tổ chức đội trong nhà trường để hơn 26.000 giáo viên tổng phụ trách phát huy nhiều vai trò hơn như dạy bơi, thiết kế ấn phẩm tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt. Ngoài ra, các nhà thiếu nhi tại địa phương cần được xây dựng và tổ chức nhiều hoạt động hơn bởi "khi có điểm vui chơi lành mạnh, trẻ em sẽ không tự tìm đến ao, hồ, sông, suối nhiều nữa".

Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu(GHAI) tại Việt Nam đưa ra đề xuất tính toán cụ thể về kinh phí. Từ năm 2018, Bộ Bộ LĐ-TBXH cùng GHAI triển khai chương trình phòng, chống đuối nước trẻ em ở 21 huyện thuộc 8 tỉnh gồm: Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Thanh Hoá, Quảng Bình, Đăk Lăk, Đồng Tháp và Sóc Trăng. Đây đều là địa phương có tỷ lệ trẻ em tử vong vì đuối nước cao, cơ sở vật chất và nhân lực dạy bơi hạn chế. Trong hai năm, hơn 13.300 trẻ được học bơi, 17.000 trẻ học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Giám đốc GHAI Việt Nam, Đoàn Thị Thu Huyền cho biết mỗi trẻ học bơi 25 m và nổi 90 giây cần 30 USD (khoảng 700.000 đồng). Chi phí gồm tiền xây dựng bể bơi, dụng cụ học bơi, thù lao chi trả cho giáo viên... "Đây là con số để cứu sống một đứa trẻ khỏi tai nạn đuối nước", và khẳng định GHAI sẽ chuyển giao công nghệ này cho chính quyền địa phương sau khi chương trình kết thúc.

Hội thảo khép lại ghi nhận đóng góp ý kiến tích cực của các đại biểu và nhất trí đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông tiếp tục chung sức cùng các bộ ban ngành, nhà trường, gia đình và cả cộng đồng hoàn thành mục tiêu giảm thiểu tối đa có thể tai nạn đuối nước ở trẻ em trong thời gian tới. /.

(Nguồn: Bộ LĐ-TBXH)