Lại Lý Huynh (trái) đang là niềm tự hào của cờ tướng Việt Nam trên đấu trường quốc tế
Đó chính là cơ sở để cờ tướng Việt Nam tự tin hướng đến các đại hội, giải quốc tế trong thời gian tới.
Sức hút lớn
Đội tuyển Việt Nam dự giải VĐTG với tuyển thủ Lại Lý Huynh, Nguyễn Minh Nhật Quang (nam), Nguyễn Hoàng Yến, Lê Thị Kim Loan (nữ) cùng một số kỳ thủ trẻ. Các học trò của HLV Hoàng Đình Hồng, đặc biệt là các kỳ thủ nam được kỳ vọng rất lớn sẽ bảo vệ tấm HCV đồng đội cũng như lần đầu tiên trong lịch sử giành chức vô địch cá nhân khi kỳ thủ số 1 thế giới người Trung Quốc - Vương Thiên Nhất không thể dự giải vì không xin được visa. Sự kỳ vọng đó được đặt lên vai kỳ thủ số 1 Việt Nam - Lại Lý Huynh, người có nhiều kinh nghiệm và thành tích thi đấu quốc tế.
Thực tế Lại Lý Huynh đã đáp ứng được kỳ vọng to lớn của người hâm mộ, anh thi đấu ấn tượng khi đạt thành tích bất bại (5 ván thắng, 3 ván hòa) để lần đầu tiên trong sự nghiệp góp mặt tại trận chung kết thế giới. Đây là trận đấu lớn nhất trong sự nghiệp của Lại Lý Huynh, đó cũng là trận đấu lịch sử của cờ tướng Việt Nam sau 18 năm chờ đợi. Tất cả người yêu cờ tướng Việt Nam đều mong muốn Lại Lý Huynh vô địch để viết nên lịch sử cho cờ tướng nước nhà. Thậm chí những người yêu cờ tướng trên toàn thế giới (trừ Trung Quốc) đều muốn Lại Lý Huynh giành chiến thắng để phá vỡ sự thống trị tuyệt đối của các kỳ thủ Trung Quốc trong 17 năm qua.
Chính vì ý nghĩa quá lớn, mang tính lịch sử nên trận chung kết trong mơ giữa Lại Lý Huynh và Mạnh Thần (Trung Quốc) nhận được sự theo dõi rất lớn của người yêu cờ trong nước cũng như kiều bào nước ngoài trên các nền tảng mạng xã hội, YouTube của các diễn đàn cờ tướng Việt Nam. Đáng nói là trận đấu này diễn ra lúc 22 giờ và kết thúc vào 2 giờ hôm sau nhưng đã có hàng vạn tín đồ cờ tướng thức đêm để xem và cổ vũ Lại Lý Huynh chấm dứt sự thống trị của cờ tướng Trung Quốc, viết lại lịch sử cho cờ tướng Việt Nam và thế giới. Một ví dụ điển hình đó là kênh YouTube của diễn đàn Thăng Long Kỳ Đạo, trận đấu giữa Lại Lý Huynh và Mạnh Thần lập kỷ lục với hơn 10.000 người theo dõi trực tiếp, một con số cực kỳ ấn tượng với một bộ môn như cờ tướng. Chưa kể còn có rất nhiều người theo dõi trận đấu này trên các diễn đàn khác với con số có thể lên đến hàng vạn người. Thậm chí con số này sẽ còn lớn hơn nhiều nếu trận chung kết thế giới diễn ra vào khung giờ “đẹp” hơn.
Hàng vạn người yêu cờ tướng Việt Nam đã thực sự sống trong nhiều cung bậc cảm xúc với trận chung kết lịch sử. Đầu tiên là hồi hộp, lo lắng khi đối thủ của Lại Lý Huỳnh là một kỳ thủ hàng đầu Trung Quốc. Tiếp đến là niềm vui, phấn khởi khi Lại Lý Huynh tạo ưu thế cực lớn ở trung tàn và đứng trước cơ hội vô địch. Nhưng sau cùng là sự tiếc nuối vô bờ bến khi kỳ thủ Việt Nam tính toán không hợp lý ở những thời điểm quyết định và để đối thủ cầm hoà, sau đó thắng ở ván cờ nhanh. Có lẽ rất nhiều người hâm mộ đã mất ngủ đêm đó khi Lại Lý Huynh “cầm vàng lại để vàng rơi”, chức vô địch thế giới lịch sử đã nắm chắc trong tay chúng ta, nhưng cuối cùng lại mất đi đáng tiếc. Người hâm mộ tiếc một, nhưng bản thân Lại Lý Huynh tiếc mười vì anh tụt mất chức vô địch thế giới - danh hiệu lớn nhất trong sự nghiệp chỉ trong một nước đi, bởi anh hiểu rằng biết khi nào “thời cờ” đó sẽ đến với mình một lần nữa.
Động lực để phát triển
Tấm HCB thế giới của Lại Lý Huynh, dù là thành tích cá nhân tốt nhất của kỳ thủ này nhưng đó lại là sự tiếc nuối lớn của người hâm mộ. Nhìn theo hướng tích cực, thành tích của Lại Lý Huynh tại giải thế giới mang lại niềm tin rất lớn cho cờ tướng Việt Nam, trong một tương lai không xa chúng ta sẽ có một nhà vô địch thế giới. Đó là minh chứng để khẳng định khoảng cách trình độ của cờ tướng Việt Nam và Trung Quốc đang dần được rút ngắn, các kỳ thủ của chúng ta đã có thể thi đấu sòng phẳng với các kỳ thủ đến từ nền cờ số 1 thế giới. Thậm chí năm ngoái, bộ đôi Lại Lý Huynh và Nguyễn Thành Bảo giành HCV đồng đội thế giới, phá vỡ sự thống trị của Trung Quốc ở nội dung này suốt 17 năm. Theo HLV Hoàng Đình Hồng, các kỳ thủ hàng đầu Việt Nam dù không thể so với các kỳ thủ hàng đầu Trung Quốc nhưng khoảng cách về trình độ dần được thu hẹp. Nếu được thường xuyên thi đấu ở các giải quốc tế sẽ giúp các kỳ thủ Việt Nam cọ xát, tích luỹ thêm về kinh nghiệm và chuyên môn để nâng cao kỳ nghệ, qua đó có thể cạnh tranh sòng phẳng với nền cờ số 1 thế giới Trung Quốc trong thời gian tới.
Dấu ấn tại giải thế giới cũng đã khép lại một năm thi đấu bận rộn nhưng rất thành công của cờ tướng Việt Nam. Chúng ta tiếp tục khẳng định vị thế số 1 khu vực khi nhất toàn đoàn tại SEA Games 32 (2 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ). Tại giải châu Á, Việt Nam giành 2 HCB, sau đó đoạt tấm HCB lịch sử ở Asian Games 19. Giải VĐTG, chúng ta có 3 HCB hệ đội tuyển và 1 HCV, 2 HCĐ hệ tuyển trẻ, cùng với đó là chức vô địch cờ nhanh. Những thành tích ấn tượng trên sẽ là động lực rất lớn để các kỳ thủ tiếp tục nỗ lực tập luyện, hướng đến các giải đấu quốc tế trong năm sau. Thành công trên cũng có ý nghĩa rất lớn trong việc lan toả và phát triển phong trào cờ tướng. Đó sẽ là “cú hích” giúp môn thể thao trí tuệ này được phổ biến hơn, thu hút thêm nhiều người, nhiều thành phần hơn tham gia tập luyện và thi đấu.
VĨNH HY