Thứ Ba, Tháng Mười Một 05, 2024
Search

Tin Thể thao trong nước

Tin tức thể thao quốc tế

Con số và sự kiện

Sea Games

Thông báo


Thể thao quốc tế
Thể thao Việt Nam
Uỷ ban Olympic Việt Nam: 35 năm một chặng đường
Uỷ ban Olympic Việt Nam: 35 năm một chặng đường
12/09/2013 15:21
Câu nói của Người Việt xưa "tam thập nhi lập” vận vào sao mà đúng với sự trưởng thành và lớn mạnh không ngừng của Uỷ ban Olympic Việt Nam 

Mặc dù tính đến nay, ngành Thể thao Việt Nam đã hình thành và phát triển được 65 năm, nhưng số ‘tuổi đời’ của Uỷ ban Olympic Việt Nam (VOC) thì mới chỉ hơn một nửa. Tính từ ngày 20-12-1976, khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng ý Quyết định số 500/TTg cho phép thành lập Uỷ ban Olympic Quốc gia Việt Nam, đến năm 2011 này, VOC vừa tròn ... 35 tuổi. Câu nói của Người Việt xưa  ‘tam thập nhi lập” vận vào sao mà đúng với sự trưởng thành và lớn mạnh không ngừng của Uỷ ban Olympic Việt Nam.


Nếu như những năm 50 của thế kỷ trước, cả Việt Nam mới chỉ có 9 Hiệp hội Thể thao Quốc gia được các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao Quốc tế công nhận. Đó là: Điền kinh, Bơi lội, Bóng đá, Bóng bàn, Bóng rổ, Xe đạp, Quần vợt, Quyền Anh và Kiếm, thì đến nay, con số đó đã nâng lên gấp hơn 2 lần (22 liên đoàn). Không chỉ gia tăng về số lượng, chất lượng thể thao cũng như các kỳ có mặt và tạo dấu ấn tại các Thế vận hội, Đại hội Thể thao Châu lục và Đại hội Thể thao khu vực Đông Nam Á ngày một cao hơn. Cho đến nay, Việt Nam đã phát triển khoảng hơn 40 môn thể thao khác nhau, Phong trào Olympic của Việt Nam đã và đang phát triển mạnh cả về bề rộng lẫn chiều sâu.

 

 

Bộ trưởng Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị thường niên VOC 2011

 


 

Ông Nguyễn Danh Thái, Chủ tịch VOC tại hội nghị liên đoàn thể thao Đông Nam Á

 

Trong lĩnh vực thể thao đỉnh cao, kể từ đầu thế kỷ 20 đến nay, TTVN đã ghi danh trên đấu trường thế giới với chiếc HCB của võ sĩ Trần Hiếu Ngân tại Olympic Sydney 2000, HCB cử tạ của lực sĩ Hoàng Anh Tuấn tại Olympic Bắc Kinh 2008 và HCV cử tạ của lực sĩ trẻ Thạch Kim Tuấn tại Olympic trẻ thế giới Singapore 2010. Ở đấu trường châu lục, thành tích của TTVN cũng từng bước được khẳng định, nhất là ở những môn thuộc hệ thống thi đấu Olympic như điền kinh, đua thuyền, Taekwondo, vật,… Những gương mặt như Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương (điền kinh), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông), Lê Quang Liêm (cờ Vua) hiện đang là điểm sáng của TTVN trong các giải châu Á và quốc tế. Còn tại đại hội thể thao của khu vực, TTVN vẫn giữ vững vị trí TOP đầu của khu vực với những thành tích đáng nể và phá vỡ nhiều kỷ lục SEA Games.


Không chỉ phát triển ở thể thao thành tích cao, VOC còn đóng góp không nhỏ cho công cuộc vận động đăng cai và tổ chức các đại hội thể thao ở Việt Nam. Mặc dù lần đầu tiên Việt Nam đăng cai SEA Games năm 2003, nhưng Việt Nam đã khiến bạn bè phải ngưỡng mộ về công tác tổ chức khá hoàn hảo. Đó chính là tiền đề để Hội đồng Olympic châu Á (OCA) quyết định giao quyền đăng cai Asian Indoor Games 3 năm 2009 cho Việt Nam. Sự tin tưởng đó đã được đặt đúng chỗ khi AI Games 3 được bạn bè quốc tế và giới truyền thông khen ngợi hết lời về công tác tổ chức, sự đón tiếp cũng như công tác chuyên môn… Sau 2 kỳ Đại hội này, được sự đồng ý của Chính phủ, VOC đã thành công trong việc vận động đưa Asian Beach Games 2016 về với Nha Trang, Khánh Hoà và hiện đang tích cực chuẩn bị chuẩn bị hồ sơ vận động đăng cai ASIAD 18-2019.


Hoàn thành nhiệm vụ được giao không chỉ ở công tác quan hệ quốc tế và phối hợp với thể thao đỉnh cao, VOC còn thực hiện hiệu quả những kế hoạch và ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban Olympic quốc tế, Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tổng cục TDTT đề ra như giáo dục tư tưởng Olympic, tổ chức các khoá đào tạo HLV, VĐV, phối hợp với các đơn vị liên quan cử cán bộ quản lý, HLV, trọng tài,.. tham dự các khoá đào tạo quốc tế, nâng cao nhận thức về thể thao quần chúng, tìm nguồn tài trợ, hỗ trợ trang phục, kinh phí cho các đoàn thể thao…

 

 

Đoàn thể thao Việt Nam tại lễ khai mạc Asiad 16

 

 

Hội nghị tư vấn về CNTT và truyền hình AIG3

 

 

Hội nghị trưởng đoàn AIG3

 

 

Lực lượng phòng cháy chữa cháy tham gia ngày chạy Olympic


35 năm không ngừng phát triển và lớn mạnh, VOC đã và đang bước đi một cách vững chắc, xứng đáng là đại biểu duy nhất của Việt Nam trong Phong trào Olympic Quốc tế.  Thời gian tiếp tục trôi và VOC ngày càng thể hiện phong độ của mình thông qua những kế hoạch hoạt động cho Chiến lược Thể thao Việt Nam 2010 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tăng cường và mở rộng các quan hệ quốc tế với IOC, OCA, các Uỷ ban Olympic quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt trong năm 2011 là chuẩn bị tối đa nguồn lực cho SEA Games 26 tại Indonesia, hoàn thành đề án tổ chức Asian Beach Games 2016 và hồ sơ xin đăng cai ASIAD 2019. Với khối lượng công việc khổng lồ như trên, các thành viên VOC, cán bộ, công chức, viên chức thường trực của VOC sẽ phải phấn đấu hết mình để phát triển Thể thao, phong trào Olympic ở trong nước, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên diễn đàn quốc tế.


Những cột mốc quan trọng


20/12/1976: Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Quyết định số 500/TTg cho phép thành lập Uỷ ban Olympic Quốc gia Việt Nam.


28/4/1980: Uỷ ban Olympic Quốc tế ra Quyết định công nhận chính thức Uỷ ban Olympic Quốc gia Việt Nam là thành viên của Phong trào Olympic Quốc tế.


Tháng 4/1993: Đại hội đại biểu  Uỷ ban Olympic Việt Nam nhiệm kỳ I (1993 - 1998) bầu ra Ban chấp hành mới gồm 36 thành viên. Chủ tịch là ông Hà Quang Dự Nguyên Uỷ viên TW Đảng, nguyên Bộ Trưởng phụ trách công tác Thể thao - Thanh niên.


Tháng 7/1998: Đại hội đại biểu Uỷ ban Olympic Việt Nam nhiệm kỳ II (1998 - 2002). Chủ tịch là ông Hà Quang Dự.


Tháng 8/2001: Đại hội giữa nhiệm kỳ bầu ông Nguyễn Nguyễn Danh Thái, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao làm Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam.


Tháng 3/2007: Đại hội đại biểu  Uỷ ban Olympic Việt Nam nhiệm kỳ III (2007 - 2010). Ông Nguyễn Danh Thái tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam.