Diễn ra từ ngày 14 – 26/8/2010 tại Singapore, Olympic trẻ lần thứ nhất không chỉ là giải đấu thể thao có quy mô lớn với sự tham dự của hơn 3.000 VĐV mà đây còn là hoạt động xã hội, chính trị có ý nghĩa đối với việc chăm lo, giáo dục toàn diện các tài năng thể thao trẻ.
Bằng những suất chính thức và ưu tiên, (để có mặt tại Singapore, các VĐV sẽ phải trải qua những cuộc thi vòng loại. Tất cả các môn thi đều tổ chức vòng loại, cấp châu lục và thế giới. Các cuộc thi Vô địch trẻ châu lục và thế giới cũng được công nhận là vòng loại Olympic trẻ) Thể thao Việt Nam sẽ tham dự kỳ Olympic trẻ đầu tiên với 12 VĐV ở 6 môn thể thao. Theo đó, ngoài 12 VĐV, nước chủ nhà còn đài thọ cho 6 HLV và 1 Trưởng đoàn.
Để chuẩn bị tốt nhất cho sân chơi này, sáng 15/6, ông Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đã có buổi làm việc với ông Trần Đức Phấn - Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao; ông Hoàng Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (dự kiến làm nhiệm vụ Trưởng đoàn TTVN tham dự Olympic trẻ lần thứ nhất) và các thành viên liên quan.
Do số lượng thẻ mà nước chủ nhà cấp có hạn nên thành phần đoàn đã được các thành viên dự họp cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng. Theo đó, những ai thực sự làm nhiệm vụ và mang nhiều trọng trách mới được nằm trong số 22 người này. Và việc bổ sung 3 cán bộ giúp việc cho đoàn đã được Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT chấp thuận.
Theo báo cáo của đoàn TTVN tham dự Đại hội, thì tất cả các thành viên của đoàn sẽ ở trong làng VĐV (là khu ký túc xá của sinh viên nhưng đã được tu sửa, trang bị đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cần thiết), cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các quốc gia tham dự. Khó khăn lớn nhất hiện nay là số HLV có thể giao tiếp thông thạo bằng tiếng nước ngoài của chúng ta còn hạn chế, cộng với việc các VĐV tham dự còn nhỏ tuổi nên chắc chắn sẽ gặp những khó khăn trong công tác chuyên môn, họp kỹ thuật hay giao lưu với các nước bạn tại những chương trình bên lề của giải đấu.
Được biết, cũng sẽ có một đoàn khảo sát được thành lập để sang Singapore vào thời gian diễn ra Đại hội để học hỏi kinh nghiệm tổ chức thi đấu và giao lưu, chuẩn bị tích cực cho công tác điều hành, tổ chức các giải đấu lớn sau này ở Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là đấu trường lớn nên Việt Nam khó có thể dành huy chương nếu không thực sự sở hữu một trình độ hơn hẳn. Xét thấy, Việt Nam chỉ có thể hy vọng vào VĐV ở một số môn như: Cử tạ, Điền kinh và Taekwondo. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả với các gương mặt trẻ Việt Nam, việc tham dự sân chơi có quy môn lớn sẽ giúp các em trưởng thành hơn về tâm lý, kỹ - chiến thuật thi đấu để chuẩn bị cho các sân chơi lớn trong tương lai như Asiad hay quan trọng hơn là Olympic sau này.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của tiêu chí - Thể thao Việt Nam hội nhập cùng khu vực và châu lục, việc tham dự Olympic trẻ tại Siangapore sẽ đem lại cho thể thao Việt Nam những vị thế nhất định trên bản đồ thể thao thế giới và dự báo một thời kỳ mới - khởi sắc hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ tổ chức ngày càng nhiều các giải đấu tầm cỡ châu lục, ngày càng có nhiều VĐV đỉnh cao giành thành tích tại đấu trường lớn nhất hành tinh và ngày càng tạo được sức ảnh hưởng lan toả trong phong trào thể dục thể thao quần chúng, vốn đã được đánh giá là có những bước chuyển mình đáng ghi nhận.