Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Search
Liên đoàn - Hiệp hội
Video
Album ảnh
5-Aspx_09-10-2009-10-36-18
Phong trào Olympic quốc tế
Asiad 2018: Những bài học rút ra cho kế hoạch liên thông SEA Games 2019- Olympic 2020-SEA Games 2021
Asiad 2018: Những bài học rút ra cho kế hoạch liên thông SEA Games 2019- Olympic 2020-SEA Games 2021
12/09/2018 08:36

Bốn tấm HCV đầu tiên của rowing, điền kinh và pencak silat, cùng chiến tích của đội tuyển Olympic lần đầu tiên lọt vào nhóm bốn đội bóng mạnh nhất châu lục đã làm nên một cuộc bứt phá ngoạn mục của Thể thao Việt Nam tại Asiad 2018. Theo Phó Chủ tịch Uỷ ban Oympic Việt Nam, PGS-TS Hoàng Vĩnh Giang, cuộc bứt phá bấy lâu mong  đợi này đã mang lại một kỳ thi đấu thành công nhất cho TTVN kể từ khi bắt đầu hội nhập trở lại Asiad 1982, và trước mắt tạo đà quan trọng để thể thao nước nhà  tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch liên thông  ba năm: SEA Games Manila 2019,  Olympic Tokyo 2020 và SEA Games 2021trên sân nhà Hà Nội.


Thưa TS Hoàng Vĩnh Giang, sau hai Asiad liên tiếp chật vật mỗi kỳ chỉ có được vỏn vẹn  một HCV, Thể thao Việt Nam đã viết nên trang sử mới, giành liền 4 HCV Asiad Jakarta- Palembang; xin ông có thể phân tích chi tiết thêm về thành quả này, so sánh cùng thành tích cao nhất TTVN từng chinh phục 16 năm trước cũng đoạt 4 HCV tại Asiad Busan 2002?

PCT UBOVN Hoàng Vĩnh Giang:

Trước hết tôi xin nhấn mạnh lại, Đại hội thể thao châu lục đông dân nhất thế giới đang trở nên ngang tầm Thế vận hội Olympic cả về quy mô, chất lượng và tính quyết liệt của chương trình thi đấu. Olympic Rio 2016 có chưa đầy 10.000 VĐV, còn Asiad 2018 ngoài các môn của châu lục vẫn có đủ 28 môn Olympic trong chương trình với hơn 10.000 VĐV mạnh nhất của 45 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự.

Ở Busan 2002 bốn HCV của Việt Nam từ các môn bi-a (1), karate (2), thể hình (1) đều không nằm trong chương trình thi đấu Olympic (chỉ karate mới được thông qua sẽ bắt đầu chính thức từ  Olympic Tokyo 2020). Trong khi đó bốn HCV của chúng ta lần này có 2 HCV của các nội dung Olympic – chèo thuyền hạng nhẹ đồng đội nữ bốn người và nhảy xa nữ.  Ở Busan 2002 chúng ta có 7 HCB, và giờ tại Jakarta-Palembang chúng ta có tới 16 HCB- 16 môn, nội dung lọt vào chung kết Đại hội thể thao lớn nhất châu lục! Đó là bước tiến mạnh mẽ, toàn diện của thể thao Việt Nam sau hơn một thập kỷ.

Đối với các nước thể thao đang phát triển có những HCB đạt được quý hơn cả vàng,và HCB bơi Asiad lần  đầu tiên của Việt Nam tại Jakarta là trường hợp như thế. Tấm HCB bơi 1500m nam của Nguyễn Huy Hoàng này làm tôi nhớ lại những khoảnh khắc xúc động tám năm trước khi các VĐV, HLV điền kinh  vui mừng rơi lệ trước 3 HCB đầu tiên của Vũ Thị Hương chạy 200m, Trương Thanh Hằng chạy 800m và 1500m tại Asiad 2010. Chính những HCB đó đã tạo đà cho điền kinh Việt Nam làm nên chiến thắng lịch sử vượt qua Thái Lan để vô địch SEA Games 2017, và cho cả tấm HCV nhảy xa của Bùi Thị Thu Thảo hôm nay- một trong những tấm HCV danh giá nhất cả Asiad mà mọi cường quốc thể thao châu lục đều luôn khao khát có được.

TTVN đã có một kỳ Asiad thành công nhất với 4 HCV, 16 HCB, 18 HCĐ, xếp thứ 17/45 trong bảng tổng sắp huy chương Đại hội, trong khi đó nước chủ nhà Indonesia ( vốn ở SEA Games không mạnh hơn chúng ta) giành được 31 HCV, 24 HCB, 43 HCĐ, vươn tới vị trí thứ tư chỉ xếp sau ba cường quốc thể thao Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc;  thưa ông, đây là bất ngờ hay là đặc thù của Á vận hội, và điều gì có thể rút ra từ đây cho TTVN chuẩn bị những  Đại hội quốc tế sắp tới, nhất là cho SEA Games mà chúng ta có trách nhiệm đăng cai vào năm 2021?

PCT UBOVN Hoàng Vĩnh Giang:

Không hề bất ngờ với 31 HCV của Indonesia, riêng pencak silat họ đã giành tới 14 HCV trong tổng số 16 bộ huy chương,  chỉ còn 2 HCV thuộc về Việt Nam và đáng ra chúng ta phải có được nhiều hơn thế nếu trọng tài bớt cảm tính thiên vị môn quốc võ của nước chủ nhà.

Nhân đây tôi xin nhắc lại, năm 2010 khi Việt Nam vận động đăng cai Asiad 2018 này, ngành đã soạn thảo một chiến lược dài hạn đúng đắn từng vấp phải những ý kiến trái chiều phê phán “mang tính dàn trải”, “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, nhưng Chính phủ  đã lắng nghe đề xuất của UBOVN quyết định phê duyệt. Đó là  quyết định về chiến lược phát triển 10 năm cho ngành TDTT  đến năm 2020 với nhóm trọng điểm chiến lược bao gồm 10 môn và nhóm trọng điểm loại hai gồm 22 môn.

Trong chiến lược đến năm 2020 này cũng đã tính toán Asiad 2018 nếu tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam sẽ giành tối thiểu 28 HCV để lọt vào top 5 Đại hội. Và chúng ta cũng đã thắng Indonesia trong cuộc bầu chọn nước đăng cai với số phiếu áp đảo 29/14, nhưng vì lý do kinh tế cuối cùng đã phải trao quyền đăng cai về xứ vạn đảo.

Chính chiến lược này đã làm nền tảng cho những thành công ban đầu của TTVN tại các Đại hội quốc tế thời gian qua và cho cả Asiad hôm nay. Rowing du nhập vào Việt Nam mới 20 năm cũng đã được chọn vào số những môn đầu tư chiến lược, dù chỉ là ở nhóm 2, đã giành tấm HCV nội dung Olympic đầu tiên góp thêm sự tự tin vô cùng quý giá cho Đoàn TTVN làm nên một kỳ Asiad thành công nhất cả lịch sử Á vận hội của mình.

Bài học rút ra từ đây là ngoài nhóm 10 môn Olympic trọng điểm, chúng ta tiếp tục cần hoàn thiện chiến lược huy chương chi tiết riêng cho những môn “nhóm 2” vốn là thế mạnh của Việt Nam có trong chương trình thi đấu các Đại hội. Tại SEA Games Manila 2019, tương tự như Indonesia có pencak silat, chủ nhà Philippines sẽ có môn võ gậy, chúng ta cần tính toán thêm môn này vốn cũng là thế mạnh của Việt Nam từng có HCV từ năm 1991.Sau Asiad 18, chúng ta vẫn có thời gian nhưng không còn sớm để rà soát và chuẩn bị thêm karate – môn quốc võ Nhật Bản sẽ  lần đầu có trong chương trình thi đấu chính thức của Olympic Tokyo 2020.

Với SEA Games 2021 tổ chức trên sân nhà, ngay bây giờ chũng ta đã cần chuẩn bị lên danh sách sơ bộ khoảng 30 môn để đưa ra đàm phán về chương trình thi đấu Đại hội trong phiên họp đầu tiên của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á. Trong đó cần lưu ý chuẩn bị những môn vốn là ‘mỏ vàng’ của TTVN: Lặn (nhóm thể thao dưới nước), Vovinam (nhóm Võ cổ truyền Việt Nam) và đá cầu- môn sở trường mà chúng ta có thể vô địch thế giới kể cả không phải thi đấu trên sân nhà.

Năm 2003 Việt Nam đã tổ chức thành công SEA Games lần đầu tiên cùng ngôi vô địch toàn đoàn đầy thuyết phục, và giờ thắng lợi tại Asiad 18 chắc chắn tiếp sức cho chúng ta sẽ có được một SEA Games trên sân nhà còn thành công hơn nữa, tiếp tục nâng cao uy tín, hình ảnh Thể thao Việt Nam với vị thế hàng đầu Khu vưc./.