Giai điệu ngân nga của bài hát chia tay đầy xao xuyến gợi lại bao cảm xúc về Olympic Mátxcơva 1980 trong lòng những khán giả từng có cơ hội ghi nhận những kỷ niệm đó. Với những nhà quản lý, HLV, VĐV của thể thao Việt Nam, đó quả là một kì Olympic đầy ắp kỉ niệm không quên bởi lần đầu tiên, thể thao Việt Nam chính thức có mặt ở đấu trường lớn nhất của thể thao thế giới.
Hội nhập với phong trào thể thao thế giới
Đây là lần đầu tiên, Đoàn thể thao Việt Nam tham gia một kì Olympic với tư cách khách mời. Đoàn gồm 79 thành viên (trong đó có 35 VĐV), dự thi ở các môn: bơi lội (11 VĐV), vật tự do (8 VĐV), điền kinh (9 VĐV), bắn súng (7 VĐV) do ông Lê Đức Chỉnh - Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT làm trưởng đoàn.
Olympic 1980 đã diễn ra từ ngày 19/7 đến ngày 3/8/1980 tại thành phố Mátxcơva Nga. Đây cũng là lần đầu tiên, một thành phố Đông Âu của nước xã hội chủ nghĩa được đăng cai đại hội. Chính vì vậy, Mỹ và một số quốc gia khác đã tẩy chay và từ chối tham gia. Tuy nhiên, đại hội vẫn thu hút sự tham dự của 5.217 VĐV đến từ 80 quốc gia trên thế giới.
Trước khi tham dự đại hội, Ủy ban Olympic Việt Nam đã tham dự liên tiếp các cuộc họp của Ủy ban Olympic các nước xã hội chủ nghĩa để thống nhất hành động chống lại âm mưu tẩy chay của các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu không đến Mátxcơva tham gia đại hội Olympic lần thứ 22. Đây chính là cơ hội để Ủy ban Olympic Việt Nam tìm hiểu, làm quen với các quy chế, điều lệ, và chương trình hoạt động của Ủy ban Olympic quốc tế và các Liên đoàn Thể thao quốc tế, mở ra mối quan hệ hợp tác mới giữa các tổ chức xã hội về thể thao Việt Nam với các tổ chức thể thao quốc tế. Trong bước đầu hội nhập phong trào Olympic quốc tế, Uỷ ban Olympic Việt Nam đã sát cánh cùng Ủy ban Olympic các nước xã hội chủ nghĩa giữ vững tinh thần hiến chương Olympic và bước đầu đưa thể thao Việt Nam hội nhập với ngôi nhà chung của thể thao thế giới.
Thắm nghĩa tình Việt Nam - Liên Xô
Để chuẩn bị cho Olympic Mátxcơva 1980, công tác tập huấn cho các đội tuyển thể thao Việt Nam tham dự đại hội đã được Đảng, Nhà nước và Tổng cục TDTT đặc biệt quan tâm. Đây là thời kì đất nước vừa thống nhất, chúng ta bước vào thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội ở cả hai miền nên điều kiện tập luyện dành cho các VĐV còn hết sức khó khăn. Lúc này, Việt Nam đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ tận tình của các nước Xã hội chủ nghĩa anh em, đặc biệt là nước bạn Liên Xô (cũ). Nhờ sự giúp đỡ đó, một số đội tuyển tham dự đại hội của chúng ta đã lên đường sang Đức, Nga tập huấn. Toàn bộ kinh phí ăn ở, đi lại đều do phía bạn đài thọ. Đấy còn chưa kể việc bạn đài thọ cho ta cả các trang thiết bị, phương tiện tập luyện ở trong nước (Cộng hoà Dân chủ Đức giúp Khu tập huấn TDTT Trung ương xây dựng trường bắn và khánh thành vào năm 1980).
PGS.TS Nguyễn Xuân Phát - HLV trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam tham dự Đại hội Olympic 1980 ngày ấy đã chia sẻ: “Để chuẩn bị tham dự Olympic 1980, đội tuyển bắn súng đã tập huấn trước đó 4 năm. Từ năm 1977 đến năm 1979, ngoài tập huấn ở Khu tập huấn TDTT Trung ương (Trung tâm HLTTQG Hà Nội ngày nay), đội đã liên tục được cử sang Đức, Nga tập huấn. Trước khi Olympic Mátxcơva diễn ra, đội tuyển bắn súng Việt Nam đã sang Đức tập huấn 2 tháng. Sau chuyến đi này, đội tuyển bắn súng Việt Nam đã có những tiến bộ rõ nét.
Còn khoảng 1 tháng nữa đại hội mới diễn ra, nhưng đội đã bay thẳng từ Đức sang Mátxcơva. Lúc này, Liên Xô đang gấp rút hoàn tất các công việc cuối cùng của khâu chuẩn bị trước khi đón các đoàn VĐV nước ngoài đến. Riêng đội tuyển bắn súng Việt Nam được ưu tiên số một nên được đến trước 1 tháng để làm quen với điều kiện tập luyện, thi đấu và môi trường sống ở làng Thế vận hội Mátxcơva. Lần đầu tiên được tham dự một đại hội lớn như thế nên tâm trạng của anh em trong đoàn đều rất hồi hộp, phấn khởi. Về điều kiện ăn ở, đi lại và tập luyện mà các bạn Liên Xô dành cho Việt Nam thì không thể chê được. Chúng tôi hoàn toàn yên tâm bởi các bạn rất tỉ mỉ, chu đáo, sẵn sàng đáp ứng đề nghị của các bạn Việt Nam.
Tuy nhiên, do phải di chuyển xa (từ làng Thế vận hội đến trường bắn cách khoảng 40 km) nên sau mỗi ngày tập luyện, anh em trong đội tuyển đều cảm thấy khá mệt”.
Những ký ức không quên
Trước khi Olympic diễn ra khoảng 1 tuần, các đội tuyển bơi lội, điền kinh, vật của Việt Nam lần lượt có mặt ở làng Thế vận hội Olympic Mátxcơva. Các Đoàn thể thao của các quốc gia khác cũng ùn ùn kéo đến, khuấy động cả bầu không khí yên bình của thành phố.
“Cảm động nhất là hôm Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm và động viên đoàn. Tổng Bí thư đã khen ngợi, khích lệ các HLV, VĐV. Ông dặn dò: Việt Nam đã đánh thắng giặc Mỹ, việc khó thế chúng ta đã làm được. Vì vậy, các đồng chí hãy cố gắng giành huy chương ở Đại hội này. Vừa mừng vừa lo, bởi không biết có hoàn thành nhiệm vụ mà Tổng Bí thư giao không, nhưng anh em trong đoàn ai cũng tự nhủ phải cố gắng thi đấu hết mình.
Rồi những ngày Đại hội diễn ra là những ngày không thể nào quên.Chúng tôi đã học được rất nhiều về sự chuyên nghiệp của nước chủ nhà, sự gian khổ và ý chí rèn luyện phi thường của VĐV các đội bạn.” - PGS.TS Nguyễn Xuân Phát chia sẻ.
Mặc dù chúng ta đã không giành được huy chương nào, nhưng sự có mặt của Đoàn Thể thao Việt Nam đã góp phần vào sự thành công chung của đại hội. Đây còn là dịp tốt để chúng ta kiểm tra trình độ thể thao của mình, qua đó thúc đẩy việc tập luyện, nâng cao thành tích thể thao trong nước và mở ra nhận thức mới về phong trào Olympic quốc tế.