Thứ Tư, Tháng Mười Hai 25, 2024
Search
Liên đoàn - Hiệp hội
Video
Album ảnh
Lễ Thượng cờ của Đoàn TTVN
Phong trào Olympic quốc tế
Phiên họp Trực tuyến về Bình đẳng giới trong Thể thao ASEAN + Nhật: Cần những dự án lớn hỗ trợ được nhiều hơn nữa cho các VĐV nữ
Phiên họp Trực tuyến về Bình đẳng giới trong Thể thao ASEAN + Nhật: Cần những dự án lớn hỗ trợ được nhiều hơn nữa cho các VĐV nữ
04/07/2024 15:13
Chiều 4/7, tại Cục TDTT, Phó Cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến đã có buổi họp Trực tuyến với Trung tâm nghiên cứu Quốc tế về Thể thao và bình đẳng giới (Nhật Bản) về vấn đề Bình đẳng giới trong Thể thao ở các nước ASEAN.
Tại phiên họp, thay mặt Ban Phụ nữ và Thể thao, Phó Cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến đã trả lời các câu hỏi liên quan đến các vấn đề bình đẳng giới trong Thể thao. Cụ thể, là các kế hoạch, hành động, chính sách về quyền lợi của các VĐV nữ hiện nay ở Việt Nam. Các lãnh đạo nữ trong thể thao và các VĐV nữ ở Việt Nam đã nhận được những đặc quyền, ưu tiên gì? để tạo động lực, thu hút thêm nữ giới tham gia vào các hoạt động Thể thao…

Về vai trò quản lý, bà Lê Thị Hoàng Yến cho rằng: việc cần quan tâm, tạo điều kiện, ưu tiên cho các nữ VĐV là điều vô cùng cần thiết và quan trọng, bởi những đóng góp, hy sinh của phái nữ cho Thể thao là không gì có thể miêu tả hết được…


Phó Cục trưởng Cục TDTT Lê Thị Hoàng yến chủ trì cuộc họp trực tuyến

Những đóng góp của phái nữ cho Thể thao

Trong ngành TDTT hiện nay, ở các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia cũng như phụ trách các môn thể thao, số cán bộ nữ chiếm tỷ lệ cao. Trong các môn thể thao, tỷ lệ nữ VĐV chiếm số lượng khá đông. Tại các cuộc tranh tài đỉnh cao, thể thao Việt Nam ghi nhận có rất nhiều nữ VĐV thi đấu giành thành tích cao như: VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên (Bơi), Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh (Điền kinh)…

Ngay trong kỳ Thế vận hội Olympic Paris 2024 sắp diễn ra, Việt Nam có 16 suất tham dự, trong đó số VĐV nữ chiếm tới 12 suất gồm: Võ Thị Mỹ Tiên (Bơi lội), Trần Thị Nhi Yến (Điền kinh), Nguyễn Thị Thật (Xe đạp), Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền (Bắn súng), Nguyễn Thị Hương (Canoeing), Phạm Thị Huệ (Rowing), Nguyễn Thùy Linh (Cầu lông), Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh (Boxing), Đỗ Thị Ánh Nguyệt (Bắn cung), Hoàng Thị Tình (Judo). Đây chính là những gương mặt VĐV nữ điển hình của Thể thao Việt Nam. Giành được một suất đến với đấu trường Olympic là điều không dễ dàng đối với cả VĐV nam, còn với phái nữ thì điều đó còn khó khăn gấp bội. Chính vì lẽ đó, việc quan tâm nhiều hơn đến nữ VĐV là vô cùng cần thiết.

Cần những chính sách, dự án cụ thể

Trong những năm gần đây, ngành TDTT đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho các VĐV sau khi giải nghệ như: phối hợp với các trường đại học để đào tạo chuyên môn thông qua các suất học bổng cho các nữ VĐV như: Đại học Kinh tế, Đại Học Đại Nam…

Bên cạnh đó, Cục TDTT đã gửi công văn tới các địa phương về việc hỗ trợ công việc cho nữ VĐV sau khi dừng thi đấu. Đã có khá nhiều suất biên chế trong các đơn vị nhà nước dành cho các VĐV nữ có thành tích tốt. Bên cạnh đó, nhiều VĐV nữ cũng đã được đặc cách tuyển thẳng vào học tại các trường Đại học TDTT. Dù vấp phải rất nhiều khó khăn nhưng 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng đều đã có những chế độ thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới VĐV nữ. Thủ đô Hà Nội cũng đã thông qua Luật Thủ đô, trong đó cũng nhấn mạnh đến Thể thao. Mới nhất, tại Hà Nội, VĐV giành suất tới Paris 2024 là Hà Thị Linh đã được nhận chế độ hỗ trợ 17 triệu/ tháng liên tiếp trong 4 năm. Đây thực sự là một phần thưởng quý giá, là động lực to lớn để một VĐV nữ như Linh tiếp tục vươn lên trong tập luyện và thi đấu.

Cách đây không lâu, Cục TDTT, Ủy Ban Olympic Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp tổ chức Chương trình truyền thông về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho nữ VĐV tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội. Hoạt động được tổ chức nhằm hỗ trợ các nữ VĐV có thêm kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Chính phủ.

Ngoài những việc làm cụ thể trên, thực tế tại Việt Nam hiện vẫn chưa có một chính sách cụ thể nào, cũng chưa có một dự án nào dành riêng về vấn đề này. Việc chúng ta quan tâm, tôn vinh các nữ VĐV vẫn chỉ là thông qua các hoạt động lồng ghép. Các chế độ về tiền công, tiền thưởng, thậm chí về góc độ tạo công việc cho các VĐV nữ sau khi giải nghệ đến nay cũng chỉ đạt khoảng 30% - 35%. Đây là con số mang tính ước lượng dựa trên số lượng các hoạt động, chương trình liên quan đến nữ giới trong thể thao. Thực tế, việc quan tâm đến nữ VĐV gặp rất nhiều trở ngại, không dễ dàng thực hiện như ở phái nam.

Xuất phát từ thực tế trên, bà Lê Thị Hoàng Yến đề xuất trong thời gian tới, Viện Khoa học TDTT hỗ trợ đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ cho VĐV nữ. Vì điều này giúp ích rất nhiều cho thể thao Thành tích cao. Ý tưởng này đã nhận được sự tán đồng của các đại biểu tham dự cuộc họp và coi là một định hướng đáng lưu tâm.

Phó Cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến nhấn mạnh: Quan tâm hơn nữa đến chế độ chính sách cho VĐV nữ được coi là một trong những việc làm vì quyền Bình đẳng giới trong phái nữ. Ngành TDTT luôn đồng hành và tiếp tục tìm kiếm, kêu gọi sự ủng hộ cả vật chất và tinh thần từ nhiều phía nhằm tạo cơ chế ưu tiên nhiều hơn nữa cho nữ giới hoạt động trong lĩnh vực TDTT.

Trao đổi với phía đại diện Nhật Bản, Phó Cục trưởng cũng đề đạt nguyện vọng được phía nước bạn hỗ trợ, giúp đỡ bằng cách giới thiệu 1 dự án,  1 chính sách cụ thể về cơ hội việc làm cho VĐV đã được thực hiện để Việt Nam học hỏi và nghiên cứu.

Minh Minh, ảnh V.Duy