Quyền anh có lịch sử hơn 5 nghìn năm ở Ai Cập và Babylon (Babylon), một trong các môn thi của Đại hội Ôlympic cổ đại ở Hi Lạp.
Luật thi đấu quyền anh đầu tiên xuất hiện ở Anh năm 1867. Trận đấu gồm 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút, giữa 2 hiệp nghỉ 1 phút. Người thắng là người giành được nhiều điểm hơn, hạ đo ván đối phương, hoặc khi đối phương không có khả năng tiếp tục thi đấu hay bị truất quyền thi đấu.
Liên đoàn Quyền anh Nghiệp dư Quốc tế (AIBA) thành lập năm 1947. Từ 1904, quyền anh có trong chương trình Đại hội Olympic. Từ 1974, tổ chức giải vô địch thế giới quyền anh 4 năm một lần. Ngoài ra, còn có Cúp thế giới, giải vô địch các châu và khu vực (2 năm một lần), giải vô địch thế giới trẻ (4 năm một lần).
Môn quyền anh nhà nghề đấu theo luật riêng, có từ cuối thế kỉ 19. Ở Việt Nam, quyền anh phát triển từ những năm đầu thế kỉ XX ở một số thị trấn, thành phố.
Điều 1: VÕ ĐÀI
1.1. Yêu cầu: Trong tất cả các cuộc thi đấu, võ đài cần tuân theo những yêu cầu sau:
1.1.1. Kích thước: Mỗi cạnh hình vuông của võ đài tối thiểu phải là 4,9 m (16 feet) và tối đa là 6,1 m (20 feet) tính từ phía trong các dây đài. Trong các cuộc thi đấu quốc tế mỗi cạnh võ đài phải là 6,1 m. Võ đài không được thấp hơn 0,91 m và cao hơn 1,22 m (4 feet) so với mặt đất hoặc sàn nhà.
1.1.2. Sàn và đệm góc: Sàn phải được thiết kế chắc chắn an toàn không lồi lõm và mở rộng ra 46 cm (18 inches) kể từ các vòng dây đài. Nó cũng cần phù hợp với 4 cột góc, các cột góc đài phải được bọc lót tốt để không gây chấn thương cho các vận động viên. Góc đài được sắp xếp như sau: Góc khu vực bên trái đối diện Chủ tịch Hội đồng giám sát (giám sát trưởng) là góc đỏ, góc trái xa hơn là góc trắng (trung lập), góc phải xa hơn là góc xanh, góc phải gần hơn là góc trung lập.
1.1.3. Bao phủ sàn đài: Sàn đài được bao phủ bằng một lớp da (phớt) hoặc cao su, hoặc chất liệu phù hợp đã được chấp thuận có độ đàn hồi tốt, có độ dày không được mỏng hơn 1,3 cm và không dày quá 1,9 cm. Tấm thảm này cần được trải phẳng và cố định ở một vị trí đồng thời cũng đủ rộng để bao phủ cả phần phía ngoài của sàn đấu.
1.1.4. Dây đài: Có 3 hoặc 4 dây đài có đường kính ít nhất 3 cm và tối đa 5 cm được cột chặt từ các góc của sàn đài có chiều cao so với mặt sàn là 40 cm, 80 cm và 130 cm. Trong trường hợp có 4 dây đài thì chiều cao lần lượt là 40,6 cm, 71,1 cm, 101,6 cm và 132,1 cm. Các dây đài được bao bao bọc bởi các dây băng có chất liệu mềm mại và êm ái có đường kính 3 đến 4 cm. Các dây này không được trượt trên dây đài.
1.1.5. Cầu thang: Võ đài phải có 3 cầu thang. Hai cầu thang ở hai góc đối diện nhau dành cho vận động viên (VĐV) và săn sóc viên, một cầu thang ở góc trung lập dành cho trọng tài và bác sĩ sử dụng.
1.1.6. Túi nhựa: Ở hai góc đài trung lập phía bên ngoài đài đấu, mỗi góc treo một túi nhựa đựng bông, băng để trọng tài sử dụng khi vận động viên bị chảy máu hoặc để trọng tài ném khăn lau, giấy lau do ông ta sử dụng.
1.2. Võ đài dự bị: Trong những giải đấu vô địch quan trọng, có thể sử dụng 2 võ đài.
ĐIỀU 2: GĂNG ĐẤU
2.1. Găng được phép:
Vận động viên mang găng màu đỏ hoặc xanh tuỳ thuộc góc đài VĐV được chỉ định và không được mang găng của mình.
2.2. Quy cách:
Găng tay nặng 284g (10 ounces) trong đó phần da không được nặng hơn 1/2 tổng trọng lượng và phần nhồi độn không được nhẹ hơn 1/2 tổng trọng lượng. Diện tích tiếp xúc hợp lệ phải được đánh dấu trên găng có màu sắc khác biệt rõ rệt với màu của găng. Phần nhồi của găng không được phép thay thế hoặc bị bể vỡ. Trong các giải quốc tế được AIBA công nhận, chỉ có găng loại VELCRO được phép sử dụng. Găng tay phải sạch sẽ và sẵn sàng sử dụng mới được phép dùng.
2.3. Các thủ tục kiểm tra găng của AIBA:
AIBA sẽ tiếp tục phân loại các nhà sản xuất găng Boxing cho các giải đấu của AIBA, các nhà sản xuất phải thiết kế để đáp ứng được yêu cầu của AIBA đối với găng loại 284g (10,0Z). Găng phải được xét nghiệm bởi Uỷ ban thiết bị và an toàn của AIBA và phải được Uỷ ban điều hành chấp thuận. Nếu được, găng của nhà sản xuất sẽ được đóng dấu chất lượng chính thức và được dùng trong các giải đấu không chuyên.
Mỗi nhà sản xuất găng được AIBA chuẩn chấp phải đặt cọc 1 khoản tại AIBA để đảm bảo chất lượng và AIBA sẽ dùng số tiền này để phạt những đôi găng chưa đạt chất lượng. Thủ tục này sẽ được thông báo cho các nhà sản xuất găng.
Trách nhiệm của AIBA trong mỗi giải đấu phải kiểm tra găng thi đấu. AIBA kiểm soát các giải đấu của liên đoàn, văn phòng khu vực đối với các giải đấu lục địa và liên đoàn quốc gia. Trừ trường hợp AIBA có đặt riêng găng với các nhà sản xuất găng, thông thường Ban tổ chức giải thi đấu sử dụng loại găng AIBA đã chuẩn thuận có sẵn nhất. Tất cả VĐV trong bất kỳ giải thi đấu nào cũng phải mang găng đúng quy cách trên.
2.4. Viên chức giám sát đeo găng của AIBA:
Găng và các băng quấn tay dùng cho thi đấu được kiểm soát bởi 2 viên chức có kinh nghiệm được chỉ định trên cơ sở luật lệ. Họ sẽ thực hiện trách nhiệm về an toàn và đảm bảo mọi luật lệ đều được giám sát kỹ lưỡng cho đến khi VĐV bước lên võ đài.
ĐIỀU 3: BĂNG QUẤN TAY
3.1. Quy cách:
Băng "VELPEAU" không dài hơn 2,5m cho mỗi tay sẽ được dùng. Bất kỳ các loại băng khác đều không được phép sử dụng. Việc sử dụng bất kỳ loại băng dán, cao su dán hoặc plastic dán đều bị nghiêm cấm. Nếu sử dụng băng dán có chiều dài 7,6cm, rộng 2,5 cm, để cố định băng quấn tay vào cổ tay thì được phép.
3.2. Các giải châu lục, thế giới và Olympic:
Băng tay được sử dụng sẽ do nước chủ nhà cung cấp. VĐV sẽ được cung cấp băng tay mới nguyên bởi các viên chức thay áo quần ngay trước khi bước vào trận đấu.
ĐIỀU 4: TRANG PHỤC
4.1. Trang phục được phép sử dụng:
Các VĐV phải mặc trang phục theo những quy định sau:
4.1.1. Quần áo:
VĐV phải mang giày hoặc ủng màu sáng không nhọn mũi và không có gót giày, mang tất ngắn, quần đùi không dài tới đầu gối, áo lót che kín vùng ngực và lưng. Trong các trận đấu quốc tế, Olympic, World Cup, giải Vô địch thế giới, các giải Vô địch thế giới (dưới 19 tuổi), Đại hội thể thao thiện chí hay bất kỳ giải đấu nào được AIBA thông qua, VĐV sẽ được mặc áo màu đỏ hoặc xanh tuỳ thuộc vào góc đài được chỉ định và chịu hoàn toàn trách nhiệm về màu của mình. Trang phục thi đấu có thể in tên nước của VĐV phù hợp với kích cỡ và đặc điểm đã được AIBA chấp thuận, không lớn hơn 100 cm2 . Nếu quần áo cùng màu thì đai lưng phải được nhìn thẳng một cách rõ ràng bằng cách sử dụng đai lưng bằng chất liệu co dãn rộng 10 cm. Vị trí của đai lưng là một đường tưởng tưởng từ rốn xuống hông.
4.1.2. Dụng cụ bảo vệ răng:
VĐV buộc phải sử dụng : Bọc răng phải vừa vặn khít chặt vào hàm trên của VĐV. Nước đăng cai tổ chức thi đấu phải cung cấp đầy đủ dụng cụ bảo vệ răng cho các VĐV tham gia thi đấu mà chưa có bọc răng và Liên đoàn quốc gia của các VĐV này sẽ thanh toán tiền. Khi đang thi đấu, nghiêm cấm VĐV làm rớt bọc răng ra ngoài và nếu cố tình sẽ bị trọng tài cảnh cáo hoặc tước quyền thi đấu. Nếu một VĐV bị một cú đấm làm văng bọc răng ra ngoài, trọng tài sẽ dẫn VĐV đến góc đài của VĐV này, cho rửa sạch bọc răng và cho VĐV mang lại. Trong lúc này, săn sóc viên không được phép nói chuyện với VĐV. Nếu bọc răng bị rớt ra 3 lần vì bất kỳ lý do gì, VĐV sẽ bị cảnh cáo và nếu còn tiếp tục sẽ nhận được cảnh cáo lần thứ 2.
4.1.3. Bảo vệ hạ bộ:
VĐV cần có thiết bị bảo vệ hạ bộ, có thể mang thêm coki (Jock - Strap).
4.1.4. Bảo vệ đầu:
Mũ bảo vệ là một trang bị cá nhân của VĐV và phải được làm vừa vặn với đầu của VĐV. Mặc dù vậy, VĐV phải đăng ký màu đỏ hoặc xanh của mũ bảo hiểm trong các trận đấu do AIBA tổ chức. Việc sử dụng mũ bảo hiểm phải đúng quy cách của AIBA, được AIBA phân loại và kiểm tra qua uỷ ban thiết kế và an toàn. Uỷ ban điều hành của AIBA sẽ xem xét và chấp nhận các thể loại mũ bảo hiểm khác nhau với điều kiện như Điều 2.3 đoạn 2 đã quy định. Vận động viên phải đội mũ bảo vệ khi thi đấu và sẽ được tháo ra ngay khi trận đấu kết thúc và trước khi công bố quyết định.
4.2. Những vật cấm dùng:
Ngoài những trang bị trên, VĐV không được sử dụng các vật khác khi thi đấu. Việc sử dụng các chất bôi trơn bằng vaseline, mỡ dầu hoặc các sản phẩm khác có thể gây hại cho đối phương được bôi trên mặt, cánh tay hoặc bất kỳ bộ phận nào của cơ thể đều bị cấm. VĐV sẽ được lau sạch các chất này trong cuộc kiểm tra y tế trước khi cân. Không đựơc để râu, ria mép mỏng có thể được chấp nhận nhưng không dài quá môi trên.
4.3. Những vi phạm về trang phục:
Trọng tài sẽ loại VĐV ra khỏi trận đấu nếu VĐV này không đội mũ, không bảo vệ hạ bộ, bảo vệ răng hoặc nếu VĐV không sạch sẽ, trang phục không đúng quy định. Nếu găng tay, quần áo của VĐV khi thi đấu bị tuột, trọng tài sẽ cho ngừng trận đấu để sửa chữa lại chỉnh tề.
4.4. Đồng phục:
Các văn phòng lục địa và các tổ chức khu vực khi cử đội tuyển hỗn hợp trong các cuộc thi đấu quốc tế cần sắp xếp cho VĐV mặc đồng phục sao cho không mâu thuẫn với luật lệ AIBA. Một văn phòng lục địa hay tổ chức khu vực không đựơc đòi hỏi một đội tuyển quốc gia mặc đồng phục hay các trang thiết bị ngược lại với những gì mà quốc gia đó thoả thuận. Tuy nhiên, VĐV đến từ nhiều nước khác nhau tham dự vào đội tuyển khu vực có thể yêu cầu tổ chức khu vực cung cấp đồng phục cho họ.
ĐIỀU 5: THIẾT BỊ VÕ ĐÀI
5.1. Yêu cầu cần thiết: Những thiết bị dưới đây cần phải có sẵn:
5.1.1. Hai khay có đáy nông có chứa nhựa thông tán vụn.
5.1.2. Hai ghế: Hai ghế xoay cho VĐV sử dụng trong khi giải lao giữa hai hiệp đấu.
5.1.3. Hai cốc bằng nhựa dùng để uống và súc miệng nhưng không được đựng nước, hai chai xịt nước bằng nhựa đựng nước dùng để uống. Ngoài ra không được có bất kỳ loại chai nước nào khác để VĐV và săn sóc viên sử dụng tại võ đài...Hai chậu đựng mùn cưa và hai xô nước.
5.1.4. Bàn và ghế cho các viên chức.
5.1.5. Một cái cồng (có đùi) hay một cái chuông.
5.1.6. Một (tốt hơn là hai) đồng hồ bấm giây.
5.1.7. Các tập phiếu điểm theo mẫu của AIBA.
5.1.8. Một túi thuốc cấp cứu.
5.1.9. Một micrô nối với hệ thống phát thanh.
5.1.10. Hai đôi găng cùng một nhà sản xuất như đã miêu tả ở Điều 2.
5.1.11. Một cái cáng.
5.1.12. Hai mũ bảo vệ đầu (1 đỏ, 1 xanh).